Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, địa bàn Quân khu 3 có vị trí chiến lược trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân Quân khu đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hun đúc nên truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”.

Sau khi ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, để thuận lợi cho việc chỉ đạo, chỉ huy tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang, ngày 31/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chiến khu 2 và Chiến khu 31 (tiền thân của Quân khu 3 ngày nay). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang Liên khu 3 đã phối hợp tổ chức các chiến dịch lớn, như: Đông Bắc II (1949), Hoàng Hoa Thám (1951), Quang Trung (1951), Hòa Bình (1951-1952), phản công ở Tây Nam Ninh Bình (1953). Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động chiến tranh du kích tiêu hao sinh lực địch; các đợt “nổi sấm đường 5”, “Cát Bi rực lửa”, “Đường 10 quật khởi”,... gây kinh hoàng và thiệt hại cho địch, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Quân khu nêu cao quyết tâm “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”,… nhiều quê hương 5 tấn đã xuất hiện, như: Thái Bình, Nam Hà, Hải Hưng. Tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã trở thành khẩu hiệu hành động của mỗi chiến sĩ, mỗi người dân. Cùng với chi viện cho miền Nam, quân và dân Quân khu trực tiếp chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Với những khẩu hiệu, việc làm sáng tạo, như: “Đưa chiến tranh du kích lên trời”, “Đưa chiến tranh du kích ra biển”, “Binh chủng hóa dân quân tự vệ”, “Dân quân tại chỗ và dân quân cơ động”, “Mỗi người dân là một chiến đấu viên, nhân viên công tác chính trị, nhân viên công tác hậu cần”, “Mỗi gia đình là một tổ chiến đấu”,... quân và dân Quân khu đã tạo nên thế trận hiệp đồng rộng khắp, trọng điểm, nhiều tầng, nhiều hướng, góp phần đánh bại các chiến dịch “Biển lửa”, “Mũi lao lửa”, “Rồng biển”, nhất là cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ cuối tháng 12/1972, góp phần làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những chiến công và thành tích đạt được 75 năm qua, lực lượng vũ trang Quân khu đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 02 Huân chương Sao vàng, 03 Huân chương Hồ Chí Minh, 05 Huân chương Độc lập, 01 Huân chương Quân công hạng Nhất và hàng nghìn huân chương, huy chương cao quý khác; 830 tập thể, 322 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trên 19.000 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, v.v. Phát huy thành tích đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chiến lược, nghị quyết, đề án về quân sự, quốc phòng, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của Quân khu. Thường xuyên nắm chắc tình hình, nhất là các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển, đảo; duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi hình huống. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới; Đề án tăng cường công tác tuyên truyền về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng của Quân đội. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật và đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động của Quân khu; xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt; thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.

 

{keywords}
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo Sư đoàn 395 thực hành diễn tập

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố với phòng thủ Quân khu, tạo thế bố trí phòng thủ liên hoàn, vững chắc. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập bảo đảm khu vực phòng thủ của các sở, ngành, địa phương, diễn tập phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn,… gắn với xây dựng các kế hoạch, phương án về phòng thủ dân sự. Chú trọng các nội dung nâng cao khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, sát tình huống có thể xảy ra. Nâng cao năng lực tham mưu của cơ quan quân sự các cấp cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quân sự, quốc phòng. Thực hiện có nền nếp, hiệu quả hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ binh chủng, dân quân thường trực, dân quân tự vệ biển ở các địa bàn trọng điểm. Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh có biển phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và lực lượng Công an tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ biên giới quốc gia; triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”.

Phối hợp với các địa phương tăng cường biện pháp quản lý, giải quyết những vấn đề liên quan đến đất và công trình quốc phòng. Thực hiện bố trí quốc phòng gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, bảo đảm tính lưỡng dụng, sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương.

Ba là, xây dựng lực lượng, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Quán triệt và thực hiện nghiêm Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 606-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về tổ chức lực lượng Quân đội đến năm 2021; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới (giai đoạn 2021 - 2025); tập trung ưu tiên bảo đảm quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, ở địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, biển, đảo; chỉ đạo quyết liệt giảm quân số dôi dư ở các cơ quan, đơn vị bảo đảm, phục vụ và cơ quan quân sự địa phương. Thực hiện tuyển dụng, nâng lương, chuyển loại, ngạch lương, chuyển chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Hoàn chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng tác chiến không gian mạng và một số lực lượng mới thành lập. Hoàn thành việc điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống nhà trường, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327; thực hiện đề án tổng thể về tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bốn là, tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện; nắm chắc quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc, yêu cầu và giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Thực hiện quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, trang bị khí tài mới; kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực của bộ đội, nâng cao khả năng cơ động trong mọi điều kiện. Nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập hiệp đồng quân binh chủng và khả năng hiệp đồng cơ động chiến đấu của các lực lượng trong khu vực phòng thủ, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ chống khủng bố; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện dự bị động viên, dân quân tự vệ sát với yêu cầu tổ chức, biên chế, nhiệm vụ, phù hợp với từng địa bàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, biện pháp tăng cường xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Triển khai, nhân rộng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” trong lực lượng vũ trang Quân khu. Làm tốt công tác giáo dục, xây dựng ý thức tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành kỷ luật, pháp luật; tăng cường quản lý tư tưởng, các mối quan hệ xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Năm là, bảo đảm kịp thời, đầy đủ vật chất, trang bị hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; ưu tiên cho đơn vị biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa. Đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu; nâng cao hiệu quả hoạt động công tác hậu cần trong khu vực phòng thủ. Chỉ đạo phát triển tăng gia sản xuất bền vững gắn với xây dựng môi trường, cảnh quan của đơn vị. Tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống bộ đội. Duy trì tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Triển khai đồng bộ các giải pháp trong đổi mới phương thức bảo đảm và thực hiện cơ chế quản lý tài chính Quân đội. Tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật, vũ khí, trang bị kỹ thuật có chất lượng tốt, đồng bộ cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ vùng trời, tuyến biên giới, biển, đảo; tập trung nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, tăng hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đẩy mạnh Cuộc vận động 50, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác bảo đảm kỹ thuật và an toàn giao thông.

Những thành tích đạt được 75 năm qua là hành trang quý để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 3 kế thừa và phát huy truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”, xây dựng Đảng bộ Quân khu trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, có sức mạnh tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. v

Thiếu tướng NGUYỄN QUANG NGỌC, Tư lệnh Quân khu

________________   

1 - Chiến khu 2 gồm các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hà Đông và Sơn Tây. Chiến khu 3 gồm các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An (tỉnh Kiến An nay thuộc thành phố Hải Phòng), thành phố Hải Phòng, Quảng Yên và Hải Ninh (Quảng Yên, Hải Ninh nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân