Chính phủ hiện đang tích cực xây dựng các nền tảng pháp lý để thúc đẩy các hình thức giao dịch điện tử vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính bằng việc xây dựng Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, các giao dịch về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gồm đăng ký tham gia, đề nghị cấp thẻ, cấp sổ, giải quyết, chi trả các chế độ độ, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và trao đổi thông tin giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp rất cần nâng cao vai trò của công nghệ cũng như phối hợp với nhau để tìm kiếm giải pháp công nghệ thích hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển kinh tế đất nước nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nói riêng.

Lãnh đạo Cục Tin học hóa từng cho biết, để ứng dụng và phát triển CNTT bền vững, và góp phần hiện đại hóa quản lý bảo hiểm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của người dân, CNTT cần phát triển trên cơ sở nền tảng hạ tầng dữ liệu đầy đủ, tập trung, chính xác và ổn định.

Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có khởi sắc và phát triển ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao của nền kinh tế xã hội, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế và đời sống dân cư thông qua hoạt động bồi thường bảo hiểm.

Để tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế -xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày sâu rộng, việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, giám sát hiệu quả của nhà nước đối với thị trường bảo hiểm là thực sự cần thiết và là một yêu cầu cấp bách.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần tiếp tục được nâng cao. Công tác ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn. Tính kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp bảo hiểm còn chưa cao.

Trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đã ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh và công tác quản trị doanh nghiệp thì tại Việt Nam, hệ thống CNTT của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước nhìn chung chưa đáp ứng được với tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn 2016 - 2020 được xem là giai đoạn trọng tâm trong việc hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm.

Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với BHXH Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo của ngành và bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong quá trình triển khai, các Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh cần thường xuyên phối hợp, làm việc chặt chẽ với các Vụ, Cục của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan của BHXH Việt Nam, chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp với Bộ và UBND các tỉnh, thành phố

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, ứng dụng CNTT được coi là một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường bảo hiểm. Theo đó, hệ thống ứng dụng CNTT sẽ đáp ứng mục tiêu xây dựng cho thị trường bảo hiểm một kho dữ liệu chung, sử dụng lâu dài, có khả năng phát triển, mở rộng, cung cấp thông tin đủ, kịp thời và chính xác cho cơ quan quan quản lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc quản trị doanh nghiệp và khách hàng mua bảo hiểm trong việc tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm nhanh nhất.