Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng với chương trình mục tiêu xóa đối giảm nghèo bền vững được lòng dân đồng thuận, phát huy được sức dân, người dân thực sự làm chủ làng bản quê hương.... cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từ kế hoạch cho đến triển khai thực hiện.

Người dân không chỉ thực hiện mà còn được bàn bạc, đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát và cuối cùng chính họ là đối tượng thụ hưởng những gì các chương trình mang lại.

{keywords}
Cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho người dân là mục tiêu của chương trình - Hình minh họa

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 04-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Sau hơn 5 năm thực hiện, ngày 16-8-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng được triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới); đến năm 2020 có: 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới; khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình giao cho các bộ, ngành, chính quyền địa phương những nhiệm vụ cụ thể trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai.

Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã tạo được nhiều kết quả quan trọng, giúp nông nghiệp phát triển vượt bậc, nông thôn đổi mới, cuộc sống của nông dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở vùng khó khăn, nơi kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn là hết sức quan trọng. Vì xây dựng nông thôn mới cũng có nghĩa là xóa đói giảm nghèo bền vững.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bao gồm một tổng thể các hoạt động nhằm cải biến sâu sắc nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp nước ta. Theo đó, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân và giao lưu hàng hóa; nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tiên tiến, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện.

{keywords}
Đời sống tinh thần của người dân cần được cải thiện bên cạnh đời sống vật chất - Hình minh họa

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả rực rỡ ở nhiều nơi, công tác xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế, nhất là khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền.

Mặc dù được ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí nhưng đầu tư trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nặng tính phân bổ bình quân, dàn đều, hầu hết tập trung vào các công trình cấp xã nhưng do thiếu vốn cho nên các công trình đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả, dở dang. Nhiều thôn, bản khó khăn, hẻo lánh vùng xa, vùng cao hầu như chưa được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Do vây, tới đây, việc xây dựng nông thôn mới tại vùng núi cao, vùng khó khăn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng gắn với chương trình xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo bền vững. Nhất là với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho dân.

Bài: Nguyễn Thị Thu Hằng - nhóm PV
Ảnh: Trần Minh Thúy - nhóm PV