Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, tác động đến quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
Bởi vậy, chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc đến năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phấn đấu xây dựng nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, phù hợp
Để đảm bảo sức mạnh sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi của Quân đội, việc trước nhất là cần tích cực rà soát, điều chỉnh tổ chức Quân đội bảo đảm cơ cấu hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới.
Do vậy, các nhà nghiên cứu chiến lược quân sự đã khuyến cáo, việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng cần đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công nghiệp quốc phòng phải được phát triển theo hướng gắn chặt với công nghiệp dân sinh, có cơ cấu hợp lý trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia, ưu tiên hướng tới những công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân. Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại làm nòng cốt xây dựng các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng, bảo đảm cho Quân đội từng bước được trang bị hiện đại, trước mắt tập trung xây dựng lực lượng hải quân, phòng không-không quân, trinh sát điện tử, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại.
Từ năm 2010 đến nay, Tổng cục CNQP đã huy động được sức mạnh, trí tuệ tập thể trong nghiên cứu khoa học - công nghệ, sáng kiến, sáng chế. Các cơ quan, đơn vị trong ngành đã mở mới hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, phát huy hàng chục nghìn sáng kiến các cấp; chế tạo mới được nhiều dây chuyền, thiết bị sản xuất quốc phòng; phát triển hiện đại hóa được hơn 100 loại vũ khí, trang bị mới thay thế nhập khẩu, làm lợi và tiết kiệm ngân sách cho Đảng, Nhà nước và quân đội.
Đến nay, ngành CNQP đã làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân, VKTBKT cho các quân, binh chủng; năng lực đóng mới và sửa chữa tàu quân sự có sự phát triển vượt bậc, đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Trong đó, ngành đã đóng mới thành công tàu tên lửa, tàu pháo, tàu cứu hộ, tàu ngầm đa năng và các tàu chuyên dụng hiện đại, góp phần quan trọng hiện đại hóa nâng cao tiềm lực sức mạnh, khả năng tác chiến của Hải quân, Cảnh sát biển và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Coi trọng công tác đào tạo cán bộ khoa học, công nghệ quân sự cho CNQP
Bàn về sức chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, trong một bài nghiên cứu sâu sắc, Trung tướng, TS Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã nhấn mạnh: Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi ngày càng cao; việc bảo đảm VKTBKT cho các LLVT huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu thắng lợi khi chiến tranh xảy ra là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành CNQP. Do vậy, thời gian tới, Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục CNQP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm, đó là:
Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của ngành Quân giới Anh hùng, đổi mới tư duy và không ngừng tìm tòi học hỏi, lao động sáng tạo phát huy ý thức tự lực, tự cường, nắm bắt, vận dụng những xu thế phát triển khoa học, công nghệ của thế giới vào thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo; các đề án, quy hoạch, kế hoạch về xây dựng, phát triển CNQP; xây dựng và phát triển CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, quân đội về kết hợp quốc phòng và kinh tế, kinh tế với quốc phòng, phát triển công nghệ lưỡng dụng để phát triển sản phẩm kinh tế gắn với thị trường sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm quốc phòng, kinh tế trong nước và nước ngoài. Đề xuất xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.
Bám sát thực tiễn huấn luyện và SSCĐ của các đơn vị trong toàn quân để nghiên cứu cải tiến, sản xuất VKTBKT đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong mọi tình huống, phù hợp điều kiện đất nước, đặc điểm con người và cách đánh của quân đội ta. Tiếp tục đầu tư, từng bước đổi mới công nghệ để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất được nhiều loại vũ khí tiên tiến hiện đại, góp phần nâng cao sức chiến đấu và khả năng SSCĐ của các LLVT nhân dân.
Coi trọng công tác đào tạo cán bộ khoa học, công nghệ quân sự cho CNQP, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ đầu ngành về thiết kế, chế tạo vũ khí. Xây dựng tác phong công nghiệp, rèn luyện kỷ luật, nền nếp chính quy, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị; chủ động phòng, chống tham ô lãng phí. Đề cao cảnh giác cách mạng, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, bí mật quốc phòng, bí mật quốc gia, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
Cùng với đó, Tổng cục CNQP tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ, chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Làm tốt công tác dân vận trên địa bàn đóng quân; tích cực thực hiện có hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội và chính sách xã hội.
Kế thừa, phát huy truyền thống, kết quả, kinh nghiệm, ngành CNQP tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng, phát triển CNQP tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Văn Dương, Trần Hằng, Hữu Hải