Trải qua 76 năm xây dựng (15/9/1945 - 15/9/2021), ngành Công nghiệp quốc phòng không ngừng trưởng thành, phát triển, thu được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngành Công nghiệp quốc phòng có bước phát triển vượt bậc. Tổ chức lực lượng công nghiệp quốc phòng được củng cố, kiện toàn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ Quân đội, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp, đổi mới, hiện đại hóa và có bước nhảy vọt. Các dự án đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao được triển khai quyết liệt, đúng định hướng đã đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của công nghiệp quốc phòng chuyển biến rõ nét và có bước đột phá; từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, số hóa nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, phù hợp với chiến lược quốc phòng và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Cùng với đó, nhiều ngành hàng, sản phẩm kinh tế do công nghiệp quốc phòng sản xuất có chất lượng, độ tin cậy cao, tạo được thương hiệu, uy tín, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trung tướng, TS. Trần Hồng Minh và các đại biểu đạt thành tích xuất sắc tại Festival 20 năm hoạt động phong trào “Sáng tạo trẻ" |
Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới, khu vực, đặc biệt là Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, khó dự báo; Đông Nam Á đang là khu vực cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc. Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng kéo dài do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra yêu cầu rất cao, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Trước bối cảnh đó, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia, nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và phát triển đất nước là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, ngành Công nghiệp Quốc phòng thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là
, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Quân đội; từ đó, Tổng cục nghiên cứu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, liên kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Trọng tâm là nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất quy hoạch lại hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng; đổi mới, hoàn thiện tổ chức và cơ chế quản lý lực lượng công nghiệp quốc phòng theo hướng tinh, gọn, mạnh. Trước mắt, Tổng cục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành Nghị quyết (Kết luận) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, bảo đảm gắn kết công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia; tập trung rà soát, cụ thể hóa các đề án, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.
Hai là
, đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về tổ chức lực lượng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng. Quán triệt, thực hiện Thông báo Kết luận số 25/TB-TW, ngày 11/4/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Tổng cục tiếp tục đẩy nhanh tiến trình kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, các viện nghiên cứu,... theo hướng giảm số lượng, tăng quy mô, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Tập trung các đơn vị sản xuất công nghiệp quốc phòng có cùng chức năng về một đầu mối quản lý, tránh trùng lặp, chồng chéo; từng bước hoàn thiện Đề án hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng, nhằm đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.
Đẩy mạnh thực hiện các chương trình đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia giỏi cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong đó, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ chất lượng cao cho những ngành đặc thù, nhất là các chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư; ban hành cơ chế, chính sách và có kế hoạch cụ thể để thu hút nhân tài từ các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ sở nghiên cứu, các viện thiết kế có liên quan và Việt kiều, chuyên gia nước ngoài có trình độ cao tham gia các chương trình, dự án công nghệ cao của công nghiệp quốc phòng. Cùng với đó, Tổng cục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chủ trì các cấp; bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý; rà soát bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên quốc phòng và người lao động trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, chuyên viên kỹ thuật tay nghề cao để họ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Ba là
, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, tạo sự tăng trưởng cả về số lượng và chủng loại, có tính năng chiến thuật, kỹ thuật cao. Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, Tổng cục tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng; mở mới các dự án đầu tư sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thiết yếu. Tăng cường năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, tập trung vào vũ khí mới, hiện đại; phấn đấu đến năm 2025 làm chủ công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lục quân và cho các lực lượng thực thi pháp luật tại các tuyến biên giới, biển đảo, các quân, binh chủng. Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; lựa chọn phát triển lĩnh vực, công nghệ mũi nhọn và các sản phẩm có tính đột phá về khoa học - công nghệ; từ đó, tạo bước chuyển biến, đổi mới công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, tạo sự tăng trưởng cả về số lượng, chủng loại mới, có tính năng chiến thuật, kỹ thuật cao và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm có tính lưỡng dụng; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu, tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giảm giá thành và tỷ lệ nội địa hóa, phát triển sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Từng bước chuyển giao công nghệ cho công nghiệp dân dụng, tạo sự lan tỏa, phát triển công nghiệp quốc gia.
Bốn là
, tích cực huy động các nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng; mở rộng liên kết công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia. Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về nguồn nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, v.v. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước đảm bảo cho lĩnh vực này còn hạn hẹp. Để đạt mục tiêu đề ra, Tổng cục tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các ngành, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong chiến lược xây dựng, phát triển của các bộ, ngành, địa phương; triển khai một số dự án liên doanh, liên kết hoặc đầu tư hỗ trợ các cơ sở dân sinh nhằm phục vụ công nghiệp quốc phòng, cùng các quy chế về chuyển giao công nghệ hai chiều giữa công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia, tạo bước chuyển biến quan trọng trong huy động tiềm lực khoa học - công nghệ và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, huy động có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng, v.v.
Cùng với các nội dung giải pháp trên, Tổng cục đẩy mạnh liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật; chú trọng hợp tác cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp quốc phòng với các đối tác nước ngoài, đẩy nhanh việc tiếp cận, tiếp thu, làm chủ công nghệ sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu ở cả trong và ngoài nước cho các sản phẩm do công nghiệp quốc phòng sản xuất; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng, trọng tâm vào Kế hoạch triển khai công tác Hội nhập quốc tế và Đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng cục, chương trình, kế hoạch hợp tác về công nghiệp quốc phòng trong năm ASEAN 2021 và Triển lãm Quốc phòng Quốc tế tại Việt Nam,… tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trung tướng, TS. TRẦN HỒNG MINH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Theo tapchiqptd.vn