Phát biểu tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, thời gian qua vùng Tây Nguyên đã đạt được một số kết quả tích cực, đáng khích lệ về mặt kinh tế - xã hội. Thông qua hội nghị lần này, Hội đồng sẽ nắm bắt những vấn đề vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải, từ đó báo cáo Chính phủ, đề xuất hướng xử lý cho vùng Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý thêm, để việc quy hoạch cho sự phát triển của Tây Nguyên với tầm nhìn dài hạn, bền vững, các địa phương trong vùng nên học hỏi theo tinh thần “Hợp tác trong phát triển, phát triển trong hợp tác”. Cụ thể như kết nối giao thông giữa các tỉnh, phát triển du lịch theo chuỗi và chia sẻ thu hút đầu tư dự án quy mô lớn giữa các địa phương để thúc đẩy phát triển cả khu vực.
Lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng đề xuất tháo gỡ khó khăn trong chồng lấn quy hoạch khai thác khoáng sản; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cao tốc; nâng cấp tuyến Quốc lộ 27 kết nối với các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận; đồng ý với 10 chính sách nằm trong quy chế đặc thù. Tỉnh Đắk Lắk trao đổi những nội dung đã làm từ khi có Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Tỉnh Kon Tum mong muốn các địa phương được tham gia xây dựng cơ chế đặc thù để hạn chế các bất cập; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; bổ sung kinh phí làm đường; phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Măng Đen… Tỉnh Gia Lai, đề nghị có cơ chế đầu tư đường quốc tế Pleiku; giao thông kết nối còn vướng mắc về nguồn vốn và cơ chế; dùng tiền của ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ trung ương; sửa đổi nghị định về y tế…; cơ chế phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế rừng… Tỉnh Đắk Nông kiến nghị về việc chồng lấn quy hoạch khai thác khoáng sản; quy hoạch sử dụng đất…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 23 và Chương trình hành động của Chính phủ đã thống nhất được cơ chế làm việc với 10 nội dung. Nhưng Chính phủ mong muốn, có những việc các địa phương có thể làm được, như nhu cầu vốn để làm những dự án của địa phương, không cần chạy theo các chương trình truyền thống, kém hiệu quả… Tây Nguyên nên tập trung nguồn vốn trung hạn.
Hiện nay, Tây Nguyên cũng như các vùng khác, đang vướng về thể chế rất lớn, mà điển hình là quy hoạch bauxit ở Tây Nguyên. Ngoài ra, còn là công tác cán bộ, công tác chuyển đổi số… Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp thu ý kiến của các địa phương, bộ, ngành và nghiên cứu hướng xử lý…
Tại hội nghị, Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên đã thông qua các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2024 gồm: các bộ, ngành, địa phương phối hợp rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành và đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù vùng của vùng Tây Nguyên để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; tập trung tổ chức thực hiện quy hoạch vùng Tây Nguyên và các quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…
Dịp này, Ban Tổ chức cũng công bố Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 5/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nhằm mục tiêu xây dựng Tây Nguyên có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; phát triển kinh tế nhanh, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường, gắn với an ninh quốc phòng; tăng cường liên kết vùng với Đông Nam Bộ, các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và các khu vực quốc tế.