Làm thế nào cho hoa quả Việt Nam nâng cao được giá trị và thương hiệu là chủ đề được thảo luận trong chương trình Hội nhập phát sóng ngày 27/9/2017 với khách mời chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy.
Một trong những điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu của nông nghiệp năm ngoái và 8 tháng đầu năm nay không phải lúa gạo hay các mặt hàng nông sản nào khác mà chính là rau quả. Xuất khẩu của mặt hàng này đạt 2.46 tỷ đô la Mỹ, tăng 33.6% so với năm 2015. Theo số liệu mới nhất, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay của sản phẩm rau quả ước tính đạt khoảng 2.35 tỷ, tăng gần 50% so với cùng kì năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng nhanh này cho thấy các mặt hàng rau củ quả nhiệt đới của Việt Nam đang từng bước khẳng định được vị trí của mình trên bản đồ nông sản thế giới.
Tuy nhiên, cũng giống như những mặt hàng nông sản khác, rau củ quả của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có thương hiệu để xuất khẩu ổn định và vẫn thiên về số lượng hơn chất lượng.
Xuất khẩu rau quả đang có mức tăng trưởng ngang café, hơn cả các sản phẩm chủ lực như cao su, chè, điều… Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 8 vừa qua đạt 232 triệu đô la Mỹ, giảm 10.2% so với tháng trước. Tuy nhiên nếu tính chung trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhóm hàng nông sản này 2.35 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh 48% so với cùng kì năm trước. Hiện nay, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã vươn ra 60 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đánh giá về con số xuất khẩu tăng trưởng mạnh của mặt hàng rau quả, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết, diện tích trồng rau củ quả đã tăng lên ở các vùng sản xuất chủ yếu như Lâm Đồng, Đồng bằng Sông Cửu Long,… Đồng thời, người dân đã ứng dụng những tiến bộ trong khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và thu hái để tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, những cải cách về hành chính hải quan cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất khẩu rau quả.
Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với nông dân để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang biên soạn một Nghị định để thay Quyết định 80 về liên kết bao tiêu sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời được giảm 50% tiền sử dụng đất nếu doanh nghiệp xây dựng nhà máy, công xưởng và khu chế biến. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp 100% chi phí tư vấn như khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng…
Kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây đã có tốc độ tăng trưởng từ 30 – 40% so với năm trước. Tại nước láng giềng Singapore, nông sản Việt Nam như bưởi năm roi, dưa hấu, bí ngô, thanh long hay khoai lang đã đến được với người tiêu dùng thông qua các siêu thị lớn tại địa phương. Giám đốc Thương mại hệ thống siêu thị Giant Singapore, ông Jeffrey Yu cho biết họ đang tìm hiểu thêm những mặt hàng hoa quả của Việt Nam, đồng thời cũng nhận ra rất nhiều cơ hội kinh doanh với các mặt hàng từ Việt Nam và mong muốn mở rộng quan hệ đối tác kinh doanh với Việt Nam.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, người làm chính sách hãy cùng vì lợi ích đất nước, hòa hợp lợi ích của mỗi cá nhân thì mới có thể xây dựng thành công thương hiệu hoa quả Việt Nam trong thời kì hội nhập.
“Hội nhập” phát sóng vào khung giờ 22h45 - 23h15 trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam PVGas - CTCP (www.pvgas.com.vn), Công ty TNHH MTV My Health (www.myhealth.com.vn), Công ty CP Peacelife Việt Nam (www.globalpeacelife.com.vn) và Trung tâm thông tin VIBIZ.VN (www.vibiz.vn).
Vũ Minh