Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025 đặt ra tiêu chi phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều mô hình, nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ...

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay đã có 50 đơn vị tham gia chương trình chuyển đổi số, trong đó có 35 đơn vị thuộc lĩnh vực trồng trọt, ba đơn vị thuộc lĩnh vực chăn nuôi, năm đơn vị thuộc lĩnh vực thuỷ sản, năm đơn vị thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm áp dụng chuyển đổi số là các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh, các nông sản đặc sản, có thế mạnh của tỉnh, có khả năng liên kết, xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản hoặc tiêu thụ qua hình thức thương mại điện tử.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh: “Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm Khuyến nông là đầu mối triển khai chuyển đổi số. Hệ thống phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản được xây dựng từ năm 2018, hoạt động thông qua website http://nongsanantoanphutho.vn.

Tuy nhiên, để thuận tiện trong sử dụng và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của những nhiệm vụ mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng (app) “Agritech - chuỗi nông nghiệp số” dành cho thiết bị di động (người dùng có thể tải ứng dụng trên CH Play hoặc Appstore, tùy hệ điều hành của điện thoại), hoạt động qua website: http://phutho.idfood.net/ và được triển khai áp dụng cho 50 đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp”.

Đây có thể xem là “bước đi đột phá” mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng sử dụng như người sản xuất, người tiêu dùng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan quản lý... là sáng tạo của tỉnh và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tạo sự thu hút, sức lan tỏa về ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Đến hết chín tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 122/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1.459 khu dân cư nông thôn mới, trong đó có 21 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với ứng dụng vào sản xuất, Phú Thọ còn là địa phương ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tăng cường ứng dụng các nền tảng số trong cơ quan Nhà nước, tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Yến Hưng