Công ty Yến sào Khánh Hòa cùng các cơ quan chức năng đang xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm yến sào đảo thiên nhiên duyên hải Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục sản phẩm quốc gia trong thời gian tới.

Lẫn lộn thật, giả

Thời gian gần đây, trên thị trường Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng xuất hiện loại yến sào có giá rẻ chỉ bằng 1/2 giá yến sào Khánh Hòa (khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng/lạng). Chất lượng của yến trôi nổi trên thị trường chưa có cơ quan nào kiểm chứng, đánh giá.

{keywords}
Chế biến yến sào Khánh Hòa tại Festival Biển 2015

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), những cơ sở sản xuất yến sào giả đã sử dụng những nguyên liệu có tính chất tương tự như keo thực vật, tinh bột, nấm trắng, thạch rau câu… để tạo thành tổ yến; đồng thời cho các chất tẩy trắng và tạo mùi tanh giống yến thật. Thực tế, các chất dùng làm tổ yến giả có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật nên dễ bị hư hỏng. Vì vậy, những cơ sở sản xuất yến giả thường bỏ thêm chất bảo quản hoặc chất chống oxy hóa như: hàn the, dioxide lưu huỳnh… Việc tạo ra yến giả giống yến thật khá phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao. Sau khi tạo ra những sợi yến giả, người ta phối trộn với yến thật theo tỷ lệ nhất định rồi tạo thành tổ yến giống thật. “Việc thật giả lẫn lộn làm cho người tiêu dùng hoài nghi và sẽ xa lánh những sản phẩm này do mất lòng tin. Thiệt hại trước mắt là nhà sản xuất chân chính bị mang tiếng hoặc khó tiêu thụ, lâu dài là thương hiệu yến sào Việt Nam bị mai một. Muốn xây dựng yến sào Khánh Hòa là sản phẩm quốc gia thì phải tìm biện pháp chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu”, ông Thịnh cho hay.

Hướng tới sản phẩm quốc gia

Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết, trong tiến trình thực hiện các mục tiêu của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Việt Nam vẫn mở rộng để phát triển thêm các sản phẩm mới, có tiềm năng. Do đó, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất, chọn lựa và xây dựng giải pháp để phát triển các sản phẩm tiềm năng trở thành sản phẩm quốc gia. Tại Khánh Hòa, việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển yến sào và chế biến các sản phẩm từ yến sào đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm từ những năm 1990. Đến năm 1995, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai nhằm hỗ trợ ngành yến sào như: Nghiên cứu các biện pháp khắc phục tác động của mưa gió đối với tổ chim yến; nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp xử lý yến để nâng cao chất lượng thương mại của yến sào… Đến đầu những năm 2000, nhiều đề tài nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm sinh học của chim yến được thực hiện.

Được biết, hiện nay, Sở KH-CN đang trình UBND tỉnh xem xét đề xuất đặt hàng một số nhiệm vụ KH-CN quốc gia liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng của chim yến từ giai đoạn chim non đến giai đoạn tập bay, làm cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi ấp nhân tạo và phát triển nghề nuôi chim yến ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. “Thời gian tới, để hướng đến sản phẩm quốc gia, yến sào cần được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu theo hướng tiếp tục mở rộng nghề nuôi yến ra nhiều địa phương trong nước để chủ động nguồn yến nhiên liệu cho sản xuất các sản phẩm từ yến sào; tiếp tục quan tâm vấn đề bảo hộ trí tuệ, xây dựng thương hiệu quốc gia và nhanh chóng thực hiện các thủ tục để được bảo hộ các quy trình công nghệ đã phát triển. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đa dạng hóa phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm từ yến sào, hoàn thiện và hiện đại hóa các quy trình sản xuất hiện đại”, ông Hạnh nói.

Ông Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa chia sẻ, giai đoạn 2015 - 2020, công ty tiếp tục thực hiện các giải pháp kỹ thuật để nhân đàn, di đàn, phát triển thành công nhiều hang yến, đảo yến mới. Bên cạnh đó, hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình ấp nở nhân tạo, phát triển quần thể chim yến hàng đảo yến thiên nhiên. “Công ty tiếp tục xây dựng sản phẩm yến sào thiên thiên các tỉnh duyên hải Việt Nam là sản phẩm tiêu chuẩn với giá trị bổ dưỡng vượt trội so với sản phẩm yến sào tại các nước trong khu vực. Trên cơ sở đó, công ty đang xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm yến sào đảo thiên nhiên duyên hải Việt Nam, là cơ sở xây dựng sản phẩm quốc gia. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia giai đoạn 2015-2020 sẽ giúp bảo tồn và phát huy nét đặc trưng của địa phương, phát huy tiềm năng đặc sản vùng duyên hải Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Hoàng cho biết.

Danh mục sản phẩm quốc gia

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt danh mục sản phẩm quốc gia gồm 6 sản phẩm chính thức và 3 sản phẩm dự bị. 6 sản phẩm chính thức gồm: lúa gạo Việt Nam; sản phẩm thiết bị siêu trường, siêu trọng; sản phẩm đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin; sản phẩm động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải; sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam; sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng. 3 sản phẩm dự bị gồm: Cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn; nấm ăn và nấm dược liệu; vi mạch điện tử.

(Theo Khánh Hòa Online)