Không dừng lại ở xây dựng các khu lưu trú, ngành du lịch đang đòi hỏi thêm hạ tầng vui chơi giải trí, mua sắm…, để vừa tăng doanh thu vừa tăng sự hấp dẫn cho các điểm đến, khiến du khách trở đi trở lại nhiều lần.
Cơ hội từ tăng trưởng lượng khách
Năm 2017 cả nước có hơn 73 triệu khách nội địa và gần 13 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay số lượng khách quốc tế đến nước ta đã đạt 11,3 triệu lượt, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước và khách nội địa là 62,1 triệu lượt.
Năm 2017 cũng là năm thành công của ngành du lịch khi tổng thu của ngành này đạt 511.000 tỷ đồng tương đương 23 tỷ USD, tăng 27.5% so với năm 2016 và đóng góp khoảng 7.5% vào GDP của Việt Nam. Nửa đầu năm 2018, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312 nghìn tỷ đồng, tăng 22.5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì mức thu từ khách du lịch của Việt Nam vẫn còn khá thấp cả về tổng thu và doanh thu trên mỗi du khách do kinh doanh dịch vụ du lịch chưa thực sự hiệu quả.
Theo Báo cáo nghiên cứu thị trường du lịch và bất động sản du lịch biển Việt Nam được Tập đoàn Crystal Bay công bố hồi tháng 7 vừa qua (lấy nguồn từ Vietnam credit và Savills), khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích chính là đi du lịch nghỉ ngơi (chiếm trên 70%). Tính theo cơ cấu trên tổng thu từ khách du lịch quốc tế, chi tiêu cho ăn uống chiếm 22,3% và lưu trú chiếm 27,7%. Trong khi đó, chi tiêu cho mua sắm chỉ chiếm 13,4% và dịch vụ tham quan, vui chơi giải trí của khách du lịch chỉ chếm 11,9%.
Trong khi đó ở các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm chiếm 40 - 50%, thậm chí đến 60 -70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.
Như vậy, dư địa cho phát triển du lịch của Việt Nam còn rất lớn, dựa trên cả nguồn khách tăng trưởng và sự phát triển về hạ tầng để tăng doanh thu trên từng du khách.
Và những hệ sinh thái mới
Du lịch biển đang dần vươn lên trở thành thế mạnh “hái ra tiền” cho ngành du lịch Việt Nam, khi dọc các bờ biển, đặc biệt từ miền Trung trở vào, nơi nào cũng đầy tiềm năng trở thành các điểm đến với làn nước trong xanh, bãi cát mịn màng thoai thoải và nắng ấm gần như quanh năm. Nắm bắt được lợi thế này, các doanh nghiệp nhanh chóng tham gia đầu tư các cơ sở lưu trú để đón dòng khách đang trong xu hướng tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở xây dựng các khu lưu trú, thực tế trên của ngành du lịch đang đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa xây dựng hạ tầng vui chơi giải trí, mua sắm…cho khách du lịch, để vừa tăng doanh thu vừa tăng sự hấp dẫn cho các điểm đến, khiến khách trở đi trở lại nhiều lần.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Crystal Bay cho biết, dựa trên các nghiên cứu rất kỹ lưỡng về nhu cầu của khách, nhiều năm qua Tập đoàn Crystal Bay đã khởi tạo một hệ sinh thái trong ngành du lịch với các dịch vụ khép kín từ vận tải đường hàng không, đường bộ, đường thủy, lưu trú và vui chơi giải trí, mua sắm…”Chúng tôi kết nối các dịch vụ đó, đóng gói lại và bán cho du khách. Khách luôn được hưởng những dịch vụ vượt trội hơn cả số tiền họ chi trả, điều đó mang lại thành công cho chúng tôi”, ông Sơn nói.
Thành công mà ông Sơn nhắc đến, chính là việc đưa hơn 300.000 khách Nga trong tổng số 500.000 khách Nga đến Nha Trang vào năm 2017. 18 máy bay thuê trọn (charter flight) với 1.300 chuyến bay liên tục chở khách bay đi về giữa Nga và Việt Nam trong năm 2017. Cũng trong năm 2017, 3 triệu phòng/đêm đã được thuê tại Nha Trang, Ninh Thuận, Phan Thiết chỉ để phục vụ cho dòng khách Nga của Crystal Bay.
“Là nhà đầu tư và phát triển du lịch, với thế mạnh về dòng khách sẵn có, tới đây chúng tôi sẽ xây dựng nhiều khu phức hợp bao gồm cả vui chơi giải trí, mua sắm, lưu trú và rất chú trọng vào trải nghiệm của du khách”, ông Sơn cho biết.
Hiện tại ở Nha Trang, đội du thuyền Horizon của Crystal Bay cũng đang mang lại những trải nghiệm khác biệt cho du khách đến Nha Trang vốn chỉ có nghỉ ngơi và tắm biển. Trong một vài năm tới, trải nghiệm tiểu sa mạc Mũi Dinh với các đêm hội hè bất tận, những trải nghiệm như cưỡi lạc đà, đua xe địa hình, lướt ván, bay dù…chắc chắn sẽ mang tới những chuyến đi khó quên.
Hay dự án Con đường di sản Vân Đồn với chiến lược “Một kỳ nghỉ hai vùng di sản” sẽ đưa du khách trải nghiệm sự cổ kính rêu phong của Tháp Chàm gắn với văn hóa Chăm của vùng đất Nha Trang- Ninh Thuận và sự kỳ vĩ của tạo hóa tạo nên một Vịnh Hạ Long. Du khách sẽ được đắm mình trong cả hai vùng di sản dù chỉ trong một chuyến đi, là nhờ hệ sinh thái du lịch mà Crystal Bay tạo dựng.
Thông tin từ Tập đoàn Crystal Bay cho biết, tới đây Tập đoàn này sẽ mở rộng thị trường khách du lịch Ấn Độ để tiếp tục mang dòng khách này tới các vùng du lịch trọng điểm của Việt Nam bằng những chuyến bay thuê trọn nguyên chuyến.
Với những cách làm dựa trên các hiểu biết sâu sắc về ngành du lịch và xu hướng của du lịch toàn cầu, dòng khách quốc tế, đặc biệt là khách Nga hay khách Ấn Độ tới Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng, đưa du lịch trở thành ngành xuất khẩu tại chỗ mang nguồn ngoại tệ lớn về cho Việt Nam.
Lệ Thanh