Để chọn mua một chiếc Crossover vừa ý trong tầm giá 1 tỉ đồng, người Việt có 2 sự lựa chọn nổi bật là Mazda CX-5 và Honda CR-V.
Hai chiếc Crossove đáng đồng tiền bát gạo
Theo khảo sát, người lựa chọn Crossover tầm giá 1 tỉ đồng hiện phân làm hai hướng: Một bên sẽ chọn Mazda CX-5 và bên còn lại đang có tâm lý chờ đợi Honda CR-V nhập khẩu ASEAN đang giảm giá về gần với đối thủ CX-5, dù vẫn cao hơn giá bán tại các nước khá nhiều.
Thử đặt 2 phiên bản Crossover cao cấp nhất của 2 hãng là Mazda CX-5 2.5 AWD và Honda CR-V 1.5L lên bàn cân để có thể so sánh.
Về ngoại hình, cả hai mẫu xe đều có những phong cách thiết kế riêng, hướng đến các đối tượng khách hàng riêng biệt. Mazda CX-5 có những đường nét mạnh mẽ hướng đến các tay lái trẻ, năng động, trong khi Honda CR-V có phong cách lịch sự dành cho những khách hàng trung, lớn tuổi.
Về khả năng di chuyển, CX-5 có bán kính vòng quay tốt hơn CR-V nên việc xoay trở trong phố sẽ dễ dàng hơn. Chiếc xe của Mazda cũng thời trang hơn khi sử dụng mâm đúc 19 inch 5 chấu kép còn CR-V sử dụng mâm đúc 18 inch 3 chấu kép cách điệu.
Về nội thất, rõ ràng Honda CR-V được điểm cộng với chỗ ngồi 5+2 so với 5 chỗ của Mazda CX-5, dù 02 ghế phụ trên CR-V khá chật, phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, CX-5 cũng có điểm cộng nhờ khoang ca-bin ấn tượng, phong cách thể thao và hiện đại, khi CR-V thiên về sự thanh lịch, thoải mái.
Thêm nữa, CX-5 được trang bị hệ thống 10 loa Bose (thay vì 8 loa thường trên CR-V); tính năng hiển thị thông tin trên kính lái HUD; cả hai ghế trước chỉnh điện (thay vì chỉ ghế lái như CR-V)… Tuy nhiên, CR-V lại có cửa sổ trời Panorama.
Về trang bị an toàn, CX-5 vượt trội hơn CR-V ở các tính năng an toàn như: Kiểm soát lực kéo, cảnh báo điểm mù, cảnh báo chệch làn đường, cảnh báo phương tiện cắt ngang, hệ thống kiểm soát gia tốc, hệ thống Start/Stop động cơ. Ngược lại, CR-V có thêm 2 tính năng an toàn mà CX-5 không có là cảnh báo buồn ngủ và hỗ trợ đánh lái chủ động AHA..
Đồng cơ và hộp số nào tốt hơn, bền bỉ hơn?
Điều được người dùng lưu tâm nhất là động cơ và hộp số được trang bị trên xe. Mazda CX-5 và Honda CR-V tuy dùng 2 công nghệ động cơ khác nhau nhưng lại có công suất tương đương. Đó là nhờ CR-V sử dụng động cơ tăng áp (hộp số CVT), trong khi Mazda CX-5 trang bị động cơ 2.5L Skyactiv (hộp số tự động 6 cấp).
Về động cơ, chúng ta có thể dễ dàng tim kiếm trên Google về sự khác nhau giữa động cơ tăng áp và động cơ phun xăng trực tiếp, hút khí tự nhiên; sự khác nhau về mức độ tiêu hao nhiên liệu, độ bền và khả năng tăng tốc của phương tiện…
Cũng như các dòng Mazda 2, Mazda 3 và Mazda 6, Mazda CX5 được trang bị công nghệ SkyAcitv (công nghệ giành giải "công nghệ của năm" tại Nhật Bản) giúp cải thiện độ bền và nâng cao hiệu suất động cơ.
Động cơ SkyActiv là động cơ phun xăng trực tiếp (Gasoline Direct injection- GDI), hút khí tự nhiên thế hệ mới, tập trung vào việc cải thiện quá trình đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu với tỷ số nén cao (tỷ số nén cao nhất đối với động cơ xăng hiện nay: 14:1)… Nhờ đó, động cơ SkyActiv tạo ra công suất và momen lớn hơn so với các loại động cơ phun xăng khác: Cải thiện 15% hiệu suất đốt nhiên liệu để sinh công; cải thiện khoảng 15% momen xoắn từ dải tốc độ động cơ từ thấp đến trung bình… Lắp trên Mazda CX-5, động cơ SkyActiv 2.5 chỉ tiêu hao 6 lít/100km đường trường và 7.5 lít/100km đường hỗn hợp.
Về động cơ tăng áp, có lẽ chúng ta đã từng nghe nhiều về turbo tăng áp trên báo chí, phim ảnh liên quan tới ô tô.
Hiểu một cách đơn giản, turbo tăng áp (còn gọi là Turbocharger) là một thiết bị được tạo ra để buộc (cưỡng ép) không khí đi vào khoang nạp khí của động cơ ở một áp lực cao hơn, cho phép nhiều nhiên liệu được đốt cháy, cho ra hiệu suất cao hơn. Động cơ dùng turbo tăng áo có thể giúp tăng đáng kể công suất của động cơ mà không cần phải tăng trọng lượng, thể tích buồn đốt. Vì thế, dung tích xi-lang của CR-V chỉ là 1.498 cc nhưng vẫn cùng công suất với CX-5 (2.488 cc).
Tuy nhiên, theo những bài kiểm tra về mức tiêu hao nhiên liệu của 2 xe sử dụng động cơ tăng áp và động cơ phun xăng trực tiếpcùng công suất, cùng di chuyển ở tốc độ cao, xe sử dụng động cơ tăng áp dung tích nhỏ hơn lại ngốn nhiên liệu hơn so với động cơ phun xăng trực tiếp, hút khí tự nhiên.
Về cảm giác lái về tốc độ và độ bốc, động cơ tăng áp cũng có nhược điểm lớn chính là độ trễ. Cho dù các hãng xe đã và đangcố gắng thu nhỏ độ trễ đến mức thấp nhất nhưng vẫn chưa thể khắc phục.
Ngoài ra, một chiếc máy dung tích nhỏ nhưng cho công suất lớn là lý do khiến việc sửa chữa, bảo dưỡng động cơ turbo tăng áp phức tạp, tốn kém hơn, tiêu chuẩn nhiên liệu khắt khe hơn… Tuổi thọ động cơ turbo tăng áp cũng được cho là sẽ thấp hơn khoảng 1/3 so với động cơ hút khí tự nhiên.
Về hộp số, SkyActiv của Mazda là loại hộp số tự động thế hệ mới 6 cấp, được thiết kế chuyển số mượt mà như hộp số vô cấp CVT. Hộp số 6 cấp SkyActiv chuyển số nhanh hơn ở tốc độ vòng tua động cơ thấp nhằm tăng tính êm dịu và tiết kiệm nhiên liệu, có độ tin cậy cao hơn hộp số CVT về việc truyền công suất, momen xoắn và khả năng tăng tốc.
Mặc dù công nghệ sản xuất hộp số đang rất phát triển, tuy nhiên loại hộp số CVT vẫn không tránh hỏi tình trạng trượt dây cua roa khi người điều khiển xe nhấn ga để tăng tốc. Nếu thốc ga đột ngột, ta có thể cảm nhận động cơ gầm rú lên nhưng tốc độ lại chậm thay đổi. Hơn nữa, hộp số CVT không cho thấy sự bền bỉ như hộp số tự động có cấp với cùng điều kiện sử dụng, bảo dưỡng, thường phải thay thế sau khoảng 10 vạn km.
Qua một vài so sánh, có thể thấy Mazda CX-5 2.5 AWD có nhiều ưu điểm về giá bán, hệ thống showroom, thiết kế hiện đại, tiện nghi kèm hệ dẫn động 4 bánh AWD. Honda CR-V 1.6L dù chỉ có hệ dẫn động cầu trước nhưng có điểm mạnh về không gian với 3 hàng ghế, thiết kế lịch sự, trung tính.
Lệ Thanh