Xe “dù” ngang nhiên đi lại
Là một bệnh viện có nhiều ca cấp cứu nặng, nguy kịch đến tính mạng nên nhu cầu sử dụng xe cứu thương ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là rất lớn. Với 16 xe cứu thương được trang bị, khả năng đáp ứng của Bệnh viện Việt Đức trước nhu cầu sử dụng xe cứu thương của người bệnh bị hạn chế, bởi có ngày có tới cả trăm ca ra vào bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối này (trong đó có nhiều ca nặng chuyển về từ các tỉnh lân cận).
Ảnh 1: Xe cứu thương chỉ có dán một hình chữ thập phía sau rồi tự do lưu thông trên đường. Nhiều bệnh nhân đã "nếm trái đắng" từ những chiếc xe cứu thương rởm như thế này - (Ảnh minh họa: Dân trí) |
Nắm được điểm thiếu này, đã có những người đứng ra tổ chức một đường dây “khép kín” để vận chuyển người bệnh trên các xe “cứu thương” của mình.
Theo đó, sẽ có một đội “cò” cắm rễ trong các
khoa, phòng của bệnh viện, mỗi khi thấy bệnh nhân có nhu cầu vận chuyển thì “cò”
sẽ mời mọc, chào đón và tìm mọi cách để người nhà “gật đầu”. Khi đó, chỉ cần alo
một tiếng là xe “cứu thương” bên ngoài lập tức chạy vào.
Vào ban đêm, khi xe của bệnh viện hoạt động “cầm chừng” thì xe dù bắt đầu “lộng
hành”. Các xe này cũng có kích cỡ gần như kích cỡ xe cứu thương thật, phía trước
hoặc phía sau hoặc ở giữa thân xe được dán hình chữ thập, trên nóc xe không thấy
có còi hú báo động, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên thì còi hú này được để
trong xe lúc vào đón bệnh nhân, chỉ khi nào ra ngoài đường rồi thì còi mới “phát
huy tác dụng”.
Tình trạng xe cứu thương dù cũng xuất hiện ở các bệnh viện lớn có nhiều bệnh
nhân cấp cứu ở Hà Nội. Thậm chí cách đây không lâu, VietNamNet đã từng nhận được
phản hồi của người bệnh về trường hợp xe cấp cứu giả ngang nhiên họat động trước
cổng bệnh Viện Quân Y 103 (Hà Đông, Hà Nội) với tên gọi “trung tâm cấp cứu 117”
và cả trung tâm chỉ có 2 xe cứu thương mang biển kiểm soát của tỉnh Bắc Ninh!
Theo xác minh của VietNamNet, hiện nay hệ thống xe cấp cứu trên cả nước vẫn
thống nhất đầu số 115, chỉ phân biệt mã vùng theo địa phương chứ không có hệ
thống cấp cứu 117 nào! Biết là xe dù nhưng nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết họ
“bất lực” trong việc dẹp bỏ các xe này, vì chúng toàn họat động bên ngoài bệnh
viện.
Với đội ngũ “cò” lan khắp bệnh viện thì không ai có thể kiểm soát được việc
chúng móc nối và vận chuyển người bệnh theo nhu cầu. Bệnh viện Việt Đức đã kiên
quyết dẹp xe cứu thương rởm bằng cách cho nghỉ những nhân viên bảo vệ để loại xe
này “tung tăng” vào viện.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng bức xúc cho biết:
“Nhiều khi biết chúng là xe dù mà không làm gì được vì tài xế đánh xe vào viện
nói là đón người nhà. Chúng tôi lại không đủ thẩm quyền để điều tra, xử lý việc
này”.
Bệnh nhân 'nếm trái đắng'
Đã có những bệnh nhân vì dùng xe cứu thương “dù” mà phải nếm trái đắng. Gia đình
chị Lụa ở Thường Tín (Hà Nội) cần chở mẹ già 76 tuổi từ Bệnh viện Việt Đức về
nhà nhưng khi làm giá, xe cứu thương “dù” đã bắt chẹt với giá 900 ngàn đồng.
Tưởng là xe cứu thương của bệnh viện nên gia đình
chị nhắm mắt chấp nhận, trong lòng chỉ dám nghĩ “giá Nhà nước mà sao đắt thế?”.
Tuy nhiên, sau đó chồng chị phát hiện đây không phải xe cứu thương của bệnh viện
mà chỉ là của tư nhân, hoạt động tự do theo đúng đường dây “khép kín” đã nêu ở
trên!
Theo PGS Quyết, có những trường hợp xe cứu thương “dù” hành người bệnh đến khốn khổ.
Người bệnh cần tinh ý để phân biệt xe cứu thương thật – giả, không nên vì ham rẻ (nhưng đi đến giữa đường sẽ bị tăng giá) và nghe lời “cò” để giải quyết thủ tục nhanh gọn mà mắc bẫy lừa (Trong ảnh là đoàn xe cứu thương của bệnh viện Việt Đức – Hà Nội. Trên xe ghi rõ tên trung tâm cấp cứu Việt Đức, có số điện thoại rõ ràng, toàn bộ các xe biển màu xanh và còi hú đầy đủ). |
Những ca bệnh nặng không thể cứu chữa được, gia đình bệnh nhân đành đưa về nhà nhưng bị “cò” dụ lên xe “dù” nên đi được nửa đường thì chủ xe hét giá gấp 3 gấp 4. Lúc đó gia đình chỉ còn nước nhắm mắt đưa tiền, nếu không thì người chết sẽ bị trả xuống giữa đường.
Trước tình trạng xe cứu thương dù đang lộng hành, lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội bức xúc thay bệnh nhân, bởi nhiều khi người dân phản ánh chất lượng dịch vụ lên trung tâm, nhưng sau khi điều tra thì hóa ra xe cứu thương đó không phải của trung tâm, cũng chẳng phải của một công ty có tư cách pháp lý nào mà hoàn toàn của tư nhân tự mọc lên.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc cấp phép họat động cho xe cứu thương cũng giống như cấp phép cho một cơ sở hành nghề y tư nhân, cần đầy đủ các điều kiện về con người, cơ sở vật chất (máy móc trên xe, phương tiện đảm bảo, vv…). Nếu có đầy đủ những điều kiện theo quy định thì Sở sẽ cấp phép hoạt động và quản lý theo đúng quy định.
Hiện nay, tình trạng xe cứu thương “dù” không dễ
bị xóa sổ là bởi, tuy họat động trái phép nhưng các cơ quan chức năng không làm
sao biết được đó có phải là xe cứu thương thật hay không.
“Nhiều xe cứu thương cứ chở người bệnh “ngang nhiên” đến mức không thèm đề biển
xe cấp cứu. Như vậy thì làm sao mà kiểm tra, xử lý được?”, Thanh tra Sở Y tế Hà
Nội cho hay. Vì vậy, người dân cần hết sức thận trọng với xe cứu thương “rởm”.
Cần quan sát kỹ xe, nếu thấy dấu hiệu khả nghi thì không nên sử dụng.
Tốt hơn hết nên sử dụng xe cứu thương của cơ sở y tế nơi mình đang điều trị hoặc
gọi đến đúng hệ thống cứu thương trên địa bàn. Cần lưu ý: Các xe cứu thương do
Sở Y tế quản lý đều có biển màu xanh.
“Một chiếc xe cứu thương thật và một chiếc không
thật khác nhau nhiều. Bởi nó liên quan đến trình độ bác sỹ, các loại máy móc, …
được trang bị trong xe có đảm bảo hay không?”, thanh tra Sở Y tế Hà Nội nói.
• N.Anh
>> Khi xe cứu thương là 'hung thần' đường phố