- Sự gia tăng số lượng đột biến không đi kèm với các quy định quản lý chặt chẽ đã biến xe đạp điện trở thành ẩn số gây tai nạn trên đường phố.
Khoảng 2 năm trở lại đây, xe đạp điện dần trở thành phương tiện phổ biến của giới trẻ và người cao tuổi tại các thành phố lớn.
Với nhiều ưu điểm như không cần bằng lái, không cần đổ xăng, dễ dàng sở hữu và tốc độ gần bằng xe máy... loại xe này đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng.
Tình trạng xe đạp điện chở 3, không đội mũ bảo hiểm phổ biến trên đường phố Hà Nội (Ảnh: Dangcongsan.vn) |
Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng theo ước tính, chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có hàng nghìn chiếc xe đạp điện.
Phổ biến là vậy, nhưng đến nay hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng loại phương tiện này vẫn chưa được ban hành. Tất cả chỉ dựa theo cảm quan và kinh nghiệm...
Đáng lưu ý hơn, tình trạng học sinh đi xe đạp điện chở 3, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, tạt đầu, chạy quá tốc độ... trên đường đang diễn ra phổ biến.
Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe đạp điện. Mới đây nhất, vào ngày 5/9, một nữ sinh 21 tuổi, sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM điều khiển xe đạp điện đã va quệt với xe máy cùng chiều khiến nữ sinh này bị văng xuống đường và bị xe bus cán qua người, tử vong.
Ngày 19/8, tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám (Hà Nội), nữ sinh Nguyễn Thu H. (HS 1 trường THPT) điều khiển xe đạp điện đi vào khúc cua, bị xe khách từ phía sau lao tới, khiến nữ sinh này ngã xuống đường. Do không đội mũ bảo hiểm, em bị đập đầu xuống đất và tử vong ngay sau đó.
Trước đó tại Nam Định, bà Đỗ Thị P. (64 tuổi), trong lúc mượn xe đạp điện của hàng xóm đi chơi phố, đã lúng túng xử lý, bị ngã xuống đường và bị ô tô cán qua, tử vong tại chỗ...
Khoản 5, Điều 3 của Nghị định 34 nêu rõ, xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 30 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (bao gồm cả xe đạp điện).
Trong nhiều trường hợp, CSGT chỉ dừng lại nhắc nhở những trường hợp vi phạm - (Ảnh: ANTĐ) |
Tuy nhiên thực tế cho thấy, các loại xe điện hiện hành có vận tốc tối đa lên tới 40-50 km/h. Nên khi xảy ra tai nạn, mức độ nghiêm trọng không khác gì xe máy.
Trong khi đó, khảo sát của Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội chỉ rõ có trên 90% người điều khiển, người ngồi sau xe đạp điện chưa đội mũ bảo hiểm.
Ngoài ra, theo phân tích, hệ thống phanh của phần lớn xe đạp điện không tương thích với tốc độ thực tế. Cụ thể, xe có thể chạy tối đa 50km/h, nhưng phanh xe chỉ đảm bảo ở tốc độ khoảng 20km/h. Thêm vào đó, bánh xe nhỏ nên dễ gây trượt khi cua với tốc độ lớn.
Điều 11 Nghị định 34 có hiệu lực từ 2010 đã quy định rõ những hành vi vi phạm đối với xe đạp điện như không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, đi không đúng làn đường, đeo BKS giả... sẽ bị xử phạt từ 40.000 - 200.000 đồng, cao nhất có thể tịch thu phương tiện.
Quy định đã rõ, trước khi ra quân xử phạt, Phòng CSGT tại nhiều thành phố cũng đã tiến hành tuyên truyền song nhiều người đi xe đạp điện vẫn ngỡ ngàng khi bị dừng xe.
Ngay cả trong trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng CSGT cũng rất khó xử lý.
Thứ nhất phần lớn người điều khiển là học sinh chưa đủ tuổi, chưa cần có bằng lái nên không thể tạm giữ bằng.
Thứ 2, do xe đạp điện không có đăng ký nên không thể lập biên bản.
Thứ 3, nếu áp dụng xử phạt tại chỗ, trong trường hợp học sinh không có tiền vẫn không thể tịch thu phương tiện (luật không quy định không đội mũ bảo hiểm thì tịch thu phương tiện).
Khi bị vi phạm, bị giữ lại, sẽ ảnh hưởng đến thời gian học tập, do đó, trong nhiều trường hợp, CSGT chỉ nhắc nhở mà không áp dụng xử phạt theo quy định. Lâu dần, việc chấp hành luật bị coi nhẹ.
Trước thực trạng xe đạp điện phát triển quá nhanh trong khi hệ thống các văn bản pháp luật còn nhiều lỗ hổng, gây khó khăn cho việc quản lý và xử phạt. Bạn có những ý kiến, giải pháp nhằm quản lý hiệu quả loại phương tiện này?
Mọi ý kiến, bài viết góp ý, chia sẻ xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn .
VietNamNet