Xe nhập khẩu tăng sức ép
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu 118.942 ô tô nguyên chiếc, giá trị kim ngạch đạt 2,83 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan đứng đầu về số lượng xe nhập khẩu của Việt Nam, với 53.942 chiếc, đạt giá trị kim ngạch hơn 1,14 tỷ USD; Indonesia xếp thứ hai với 42.676 chiếc, đạt kim ngạch 607,55 triệu USD; Trung Quốc xếp thứ ba với 11.002 chiếc, đạt kim ngạch 394,2 triệu USD.
Nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng gần 75.000 ô tô các loại, với giá trị kim ngạch hơn 1,5 tỷ USD. Trong đó, Indonesia dẫn đầu về lượng xe với 26.233 chiếc, đạt kim ngạch đạt 380 triệu USD; Thái Lan đứng thứ 2 với 18.495 chiếc, kim ngạch 357 triệu USD; Trung Quốc đứng thứ 3 với 11.869 chiếc, kim ngạch 373 triệu USD.
Ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước. Phần còn lại thuộc về các quốc gia khác như: Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...
Hiện tại Việt Nam nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc chủ yếu vẫn là xe tải và xe chuyên dụng. Tuy nhiên, số lượng xe con dưới 10 chỗ ngồi đang tăng dần lên.
Đến nay những hãng ô tô nằm trong top 10 của Trung Quốc như: BYD, Geely, Chery, Great Wall, SAIC, Wuling… đều đã hiện diện tại Việt Nam và tung ra sản phẩm thâm nhập thị trường. Sắp tới phân khúc xe điện sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định: Các hãng xe Trung Quốc có thể sản xuất ra những dòng xe điện giá rẻ, với mức giá bán lẻ chỉ nằm trong khoảng từ 250-270 triệu đồng. Những mẫu xe điện giá rẻ này có thể được nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, xe từ Liên minh châu Âu (EU) và Anh Quốc ngày càng tăng kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam nhờ thuế giảm. Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA), Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho ô tô nhập khẩu từ EU và Anh, với thuế suất ưu đãi 0% vào năm 2030.
Từ năm 2020 trở đi, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam giảm khoảng 7%/năm, giúp cho giá xe ngày một giảm. Bước sang năm 2024, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ EU và Anh về Việt Nam giảm còn 37% với xe có động cơ từ 3.0 lít trở lên và 42,5% với xe có động cơ dưới 3.0 lít.
Sang năm 2025, thuế nhập khẩu ô tô từ EU và Anh về Việt Nam tiếp tục giảm về mức 30% với xe có động cơ từ 3.0 lít trở lên và 35% với xe có động cơ dưới 3.0 lít. Thuế nhập khẩu giảm, các loại xe sang từ EU và Anh Quốc sẽ tràn vào nhiều, làm thay đổi thị phần xe nhập khẩu tại Việt Nam.
Xe trong nước yếu thế
VAMA cho biết, sức ép từ xe nhập khẩu lên xe sản xuất lắp ráp trong nước ngày càng lớn. Ngay sau khi bỏ thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN vào năm 2018, nhiều sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia như Thái Lan và Indonesia.
Từ năm 2025, khi thuế nhập khẩu ô tô từ EU và Anh Quốc giảm còn 30-35% thì lợi thế dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước càng giảm. Không những thế, ô tô điện giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang, càng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô trong nước.
Với GDP bình quân đầu người Việt Nam hiện đạt 4.000 USD và tiếp tục tăng lên, thời kỳ “ô tô hóa” đang đến. Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030 và từ 1,5-1,8 triệu xe sau năm 2035. Đây là “cơ hội vàng” cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Tuy nhiên, nhìn lại ngành công nghiệp ô tô trong nước, sau 30 năm phát triển, đến nay vẫn đang ở giai đoạn đầu. So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan thì chậm hơn khoảng 3 thế hệ.
Điều này đặt ra những thách thức rất lớn, khó có khả năng đón bắt được “cơ hội vàng” đang đến. Nếu ngành công nghiệp ô tô không đáp ứng được, Việt Nam sẽ tiêu tốn mỗi năm khoảng 12 tỷ USD, để nhập khẩu xe nguyên chiếc phục vụ người tiêu dùng.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!