Trong tương lai, xe điện sẽ dần thay thế xe dùng động cơ đốt trong truyền thống nhờ những vượt trội về các yếu tố như thân thiện môi trường, êm ái... Khoảng 2 năm trở lại đây, xu hướng xe điện không chỉ nở rộ trên toàn cầu mà còn ở phổ biến tại nước ta, Porsche Taycan hay VinFast VF e34 được xem là những "viên gạch" đầu tiên của thị trường.
Nếu muốn phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam, các hãng sản xuất ôtô điện cần đảm bảo được những yếu tố dưới đây.
Giá bán và chi phí vận hành
Tại Việt Nam, ôtô không đơn thuần là phương tiện mà vẫn còn được xem là một tài sản giá trị lớn, vì thế giá bán luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu khi lựa chọn xe.
Giá bán của xe điện hiện vẫn cao hơn xe truyền thống cùng phân khúc, điều này phần lớn đến từ những rào cản về mặt công nghệ. Những phát triển về công nghệ trong tương lai sẽ giúp giá bán của ôtô điện dễ tiếp cận hơn, thậm chí tương đương hoặc thấp hơn xe dùng động cơ truyền thống.
Quay trở lại hiện tại, VinFast có thể xem như hãng xe điện đầu tiên tại Việt Nam giải quyết được bài toán giá bán, hãng chỉ bán xe nhưng không bán bộ pin, điều này giúp giá thành chiếc xe không quá chênh lệch với các đối thủ cùng phân khúc dùng động cơ đốt trong.
Việc cho thuê pin không phải là điều mới mẻ, nhiều hãng xe như Renault hay Nissan đã áp dụng chính sách này cho các dòng xe điện tại nhiều quốc gia.
Tùy thuộc vào quãng đường di chuyển, chủ xe có thể lựa chọn các gói thuê pin khác nhau. Chẳng hạn VinFast VF e34 có giá thuê pin tối thiểu 675.500 đồng/tháng cho quãng đường 500 km, nếu chạy hơn con số này khách hàng sẽ trả thêm 1.315 đồng/km.
Chi phí bảo dưỡng cũng là một trong những vấn đề được khách hàng mua xe quan tâm nhiều. Văn phòng Hiệu suất Năng lượng và Năng lượng Tái tạo (EERE) cho biết ôtô dùng động cơ đốt trong tốn 0,1 USD bảo dưỡng cho mỗi 1,6 km di chuyển, con số này đối với xe điện là 0,061 USD.
Chênh lệch về chi phí bảo dưỡng đến từ cấu tạo động cơ xe điện đơn giản hơn động cơ đốt trong truyền thống, nhờ đó loại bỏ được nhiều chi tiết như hộp số, piston, xy-lanh...
Khả năng di chuyển và thời gian sạc
Khi được sạc đầy, Porsche Taycan có phạm vi di chuyển tối đa khoảng 460 km và VinFast VF e34 là khoảng 285 km, những con số này cho thấy khả năng di chuyển của xe điện không thua kém quá nhiều với các mẫu xe dùng động cơ xăng hay diesel.
Tại Việt Nam, VinFast đang trong quá trình triển khai hơn 2.000 trạm sạc trên toàn quốc, vấn đề cơ sở hạ tầng trạm sạc đang dần được giải quyết. Đối với các hãng xe khác muốn mở rộng sang xe điện, việc khả thi nhất là xây dựng trạm sạc tại các đại lý và hỗ trợ tốt công nghệ sạc tại nhà cho khách hàng.
Tuy nhiên, thời gian sạc pin mới là vấn đề đáng để quan tâm. Một chiếc xe dùng động cơ truyền thống mất chưa đến 10 phút để đổ đầy bình xăng và tiếp tục hành trình, trong khi đó người dùng xe điện cần phải đợi ít nhất khoảng 20 phút để bộ pin đạt mức 80% khi sạc tại các trạm công suất cao. Nếu tự sạc tại nhà với nguồn điện dân dụng, chủ xe cần đợi không dưới 3 tiếng để sạc được 70-80%.
Hầu hết bộ pin của ôtô điện đều dùng công nghệ lithium-ion, loại pin có tuổi thọ ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có cường độ dòng sạc. Sạc điện tại các trạm sạc công suất cao thường xuyên khiến cho tuổi thọ pin bị giảm đi ít nhiều, bù lại giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian.
Có thể thấy rõ rào cản lớn nhất của ôtô điện hiện tại là thời gian sạc. Nhiều khả năng trong tương lai, các hãng xe sẽ nghiên cứu và giới thiệu các bộ pin có dung lượng lớn hơn cùng khả năng rút ngắn thời gian sạc nhưng vẫn đảm bảo được tuổi thọ.
Theo Zingnews
Bạn có góc nhìn như thế nào về xe điện ở Việt Nam? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Xe điện át xe xăng, bài học ấn tượng Bắc Âu
Na Uy đã đạt được cột mốc ấn tượng, có gần 2/3 ô tô mới bán ra tại nước này là xe điện. Phần còn lại là xe hybrid. Xe chạy bằng xăng, dầu chỉ còn chiếm 8%.