- Tại phiên điều trần của UB Tài chính - Ngân sách QH về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí chiều 11/4, nhiều ĐBQH nêu vấn đề phí chồng phí trên các tuyến đường, đặc biệt là quốc lộ. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng không có tình trạng này.

Phí không chồng phí?

Cho rằng việc thu phí đối với phương tiện vận tải theo nghị định 18 là đúng, đi đôi với đó là việc xóa bỏ được nhiều trạm thu phí nhưng Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã lo trong 2-3 năm tới sẽ dựng lên nhiều trạm thu BOT phí ở QL 1A, như vậy sẽ có tình trạng “phí chồng lên phí”, cước vận tải có giữ được ở mức hợp lý?

Chủ nhiệm UB Phùng Quốc Hiển thì cho rằng hiện nay ta thu phí theo đầu xe, nhưng các xe đi khác nhau, cái đi ít đi nhiều lại thu bằng nhau. Có nhiều xe đã nộp quỹ sử dụng đường bộ rồi nhưng vẫn phải đi qua các vùng có trạm thu phí BOT (đầu tư của DN), thậm chí có vùng mật độ trạm này dày, xe lại gánh phí lần 2, như vậy có hợp lý không?

{keywords}
Tiền trông giữ xe là phí hay giá dịch vụ?


Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết nếu đầu tư từ ngân sách thì toàn QL 1A sẽ cần khoảng 100.000 tỷ đồng. Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép đầu tư theo hình thức BOT và kêu gọi được 17 nhà đầi tư, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 50.000 tỷ đồng. Với khoảng cách 70km/trạm thu phí thì toàn tuyến đường này sẽ có thêm 17 trạm thu phí BOT.

“Nếu đầu tư bằng ngân sách thì vẫn phải thu phí như các trạm trước đây với giá tương đương. Chúng tôi đã tính toán kỹ là nếu một xe tải trọng 20 tấn chạy từ TP HCM ra Hà Nội thì tổng mức phí trên toàn tuyến khoảng 1,5-1,7 triệu đồng, mức này không lớn, có thể chấp nhận được”, ông Trường giải thích.

Trả lời câu hỏi có tình trạng “phí chồng phí không?”, ông Trường cho rằng nghị định 18 đã quy định rõ quỹ bảo trì đường bộ chỉ sử dụng để bảo trì những đoạn đường không được đầu tư theo hình thức BOT, còn đoạn được đầu tư BOT thì nhà đầu tư phải chủ động công tác bảo trì. “Vì thế không có tình trạng phí chồng phí”.

Ông cũng khẳng định việc quản lý quỹ bảo trì đường bộ là minh bạch, rõ ràng, cập nhật 3 tháng/lần thông tin thu, chi bao nhiêu, chi vào việc gì và có cả một hội đồng quản lý nên “không đáng lo ngại”.

Phí cứ thu nhưng phục vụ không ra gì

Nhiều ĐBQH băn khoăn tình trạng lạm thu phí, lệ phí, nhiều loại phí không còn phù hợp, có loại được phép thu thì chất lượng dịch vụ không tương xứng gây bức xúc. Ngoài ra còn tình trạng mập mờ giữa phí, lệ phí với giá.

Ồng Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên thường trực UB Pháp luật lấy ví dụ về dịch vụ trông giữ xe, tiền thu đó là phí hay giá dịch vụ? Hiện nay nơi nào cũng thu tiền nhưng tiền đó đi đâu, vào Nhà nước hay nơi nào thu nơi ấy giữ rồi chia nhau?

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong bối cảnh đời sống còn khó khăn, người dân bức xúc với những khoản thu không phải phí, lệ phí là đúng. Ông cũng nêu tình trạng có sự “nhầm lẫn” giữa phí, lệ phí với giá dịch vụ, riêng giá trông giữ xe nhiều nơi còn thu tùy tiện theo mùa vụ gây bức xúc.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì cho rằng nhiều dịch vụ hiện nay phí vẫn cứ thu nhưng phục vụ không ra gì, cơ quan nào sẽ kiểm tra cái này, phát hiện rồi thì xử lý thế nào? Đã xử lý được bao nhiêu vụ?

Dẫn kết quả thu phí liên tục giảm qua các năm, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận định sẽ là rất tốt nếu kết quả thu phí giảm vì ta giảm các phí này cho người dân và DN, nhưng thực tế người dân và DN cảm thấy cứ sau một thời gian lại phải nộp thêm phí mới chứ không giảm đi, nhất là trong lúc khó khăn như thế này.

Bãi bỏ 340 khoản phí, lệ phí

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết theo NĐ 24/2007 thì hiện nay có 171 loại phí và 130 lệ phí, thấp hơn nhiều so với dư luận báo chí nêu.

Từ 2002 đến 2007, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương rà soát sửa đổi bãi bỏ 340 khoản ban hành không đúng quy định. Các khoản đóng góp tự nguyện không phải phí và lệ phí. Nhà nước nghiêm cấm các tổ chức cá nhân tự đặt ra các khoản phí, lệ phí để thu bất hợp pháp.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh 340 loại phí đã được rà soát hủy bỏ, nhưng còn nhiều loại phí, lệ phí nhầm lẫn với giá dịch vụ do Nhà nước ban hành và do DN đặt ra, tạo gánh nặng cho nhân dân, phải bãi bỏ ngay.

Năm 2013, cả nước thu được 31.271 tỷ đồng từ phí, lệ phí nhưng việc quản lý, sử dụng phân tán và còn nhiều bất cập.


Cẩm Quyên