“Chưa có đâu, còn lâu mới phải đăng ký”; “Đó mới là tin đồn thôi”; “Ô! thế quy định đó có thật hả? Tôi chưa nghe thấy bao giờ. Nếu có thì còn lâu mới áp dụng được”… Đó là phản ứng của người bán, người dùng xe máy điện khi được tham khảo về quy định bắt buộc loại phương tiện này phải đăng ký từ ngày 1/6 tới.

Hàng triệu chiếc xe phải đi đăng ký

Từ ngày 1/6 tới, theo quy định mới của Bộ Công an, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký rồi mới được phép lưu thông. Quy định này sẽ tác động lớn đến hàng triệu người dân đã và đang có nhu cầu sử dụng xe máy điện. Theo Bộ GTVT, xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Theo quy định này thì phương tiện mà người dân quen gọi là “xe đạp điện” có gắn động cơ điện đang được sử dụng phổ biến tại các thành phố lớn sẽ nằm trong diện bắt buộc phải làm các thủ tục đăng ký với cơ quan công an, được cơ quan này cấp biển số thì mới được phép lưu thông trên đường.

Quy định này xuất phát từ thực tiễn người dân chuyển đổi xu hướng sử dụng phương tiện giao thông từ xe đạp truyền thống, xe máy sang xe có gắn động cơ điện. Không chỉ tập trung lớn ở các thành phố mà ở vùng nông thôn lượng người sử dụng cũng không ngừng tăng cao. Đối tượng sử dụng tập trung chủ yếu vào giới trẻ và người già. Mới đây, cử tri tỉnh Khánh Hòa trong nội dung gửi ý kiến đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã đề nghị có cơ chế quản lý với xe máy, xe đạp điện. Nguyên nhân được cử tri đưa ra là do phương tiện này chạy tốc độ cao, người dùng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Với nội dung này, Bộ GTVT thừa nhận, trong thời gian qua trên thị trường xuất hiện nhiều chủng loại xe hai bánh chạy điện (xe đạp điện, xe máy điện) không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát về chất lượng, an toàn kỹ thuật. Đặc biệt, đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên đi tốc độ cao, lạng lách, chở quá số người quy định, làm gia tăng các vi phạm trật tự an toàn giao thông.

{keywords}

Phần lớn các chủ cửa hàng bán xe máy điện đều chưa biết loại phương tiện này phải đăng ký, lấy biển số.

Để “quản” loại phương tiện này, Bộ GTVT đã ra hàng loạt các văn bản quy định về chất lượng, tiêu chuẩn, chế tài xử lý nếu người dùng vi phạm. Cùng đó, Bộ Công an ban hành văn bản hướng dẫn, quy định thủ tục đăng ký phương tiện trong đó có loại phương tiện này. Theo đó, địa điểm đăng ký tại nơi đăng ký phương tiện của Phòng CSGT các tỉnh, công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Thời gian đăng ký giao động từ 2-30 ngày làm việc tùy nguồn gốc phương tiện. Hồ sơ đăng ký xe bao gồm: Giấy khai đăng ký xe; Giấy tờ của chủ xe; Giấy tờ của xe. Trong đó, giấy tờ của xe quan trọng nhất đối với xe mới chính là hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính.

Còn lâu mới áp dụng?

Chỉ còn ít ngày nữa quy định nêu trên của Bộ Công an chính thức có hiệu lực nhưng người dân cho rằng chưa nghe tới hoặc có nghe thì ở dạng tin… đồn và phần lớn đều quả quyết cho rằng còn lâu mới áp dụng được. Trao đổi với PV, nhân viên cửa hàng xe đạp điện Koolbike (996 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội) quả quyết còn lâu mới áp dụng và thông tin buộc xe máy, xe đạp điện phải đăng ký chỉ là tin… đồn.

Cùng quan điểm với nhân viên cửa hàng này, nhân viên siêu thị xe đạp điện Yến Oanh (356 Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì cho rằng: “Nếu sau này áp dụng thì chắc phải có cơ chế cho người mua”. Nhân viên này trấn an rằng, người mua cứ an tâm vì cửa hàng này đã bán cho hàng trăm khách khác chứ không phải chỉ bán cho một, hai người. Còn nhân viên cửa hàng xe đạp điện tại 287 Phố Huế thì tỏ ra khá bất ngờ khi được hỏi về quy định bắt buộc xe máy, xe đạp điện phải đăng ký mới được lưu thông.

Một vấn đề sẽ khiến người mua gặp khó chính là nguồn gốc và hóa đơn mua hàng liệu có được cơ quan thuế chấp nhận khi đóng phí để làm thủ tục đăng ký? Nhiều cửa hàng quả quyết không thể có hóa đơn cho người mua bởi hóa đơn đầu vào của họ tính cho lô xe gồm nhiều chiếc. “Không có hóa đơn đâu, anh đi hỏi hết các cửa hàng mà xem. Chỉ có cửa hàng mới được bên bán xuất hóa đơn theo lô mấy chục chiếc một lúc”, một chủ cửa hàng bán xe đạp điện cho biết.

Tình trạng không hóa đơn, hóa đơn chênh với giá hoặc người mua xe đạp điện, xe máy điện không lấy hóa đơn thì sẽ gặp khó khi làm thủ tục đăng ký khá phổ biến mà cơ quan đăng ký cần phải “gỡ”, nếu không muốn một lượng lớn phương tiện “ngoài luồng” do không thể đăng ký được lưu thông trên đường.

Loạn xe giả nhãn hiệu Nhật

Ngày 25/4, Đội Quản lý thị trường số 5, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tạm giữ một lô hàng gồm 24 chiếc xe đạp điện nhập khẩu nghi là hàng giả nhãn hiệu Yamaha tại khu vực Cảng Hà Nội (đường Bạch Đằng, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng). Theo hóa đơn, giá bán ra mỗi chiếc xe đạp điện nêu trên chỉ là 1 triệu đồng/chiếc nhưng trên thực tế, các cửa hàng bán cho người tiêu dùng từ 10-13 triệu đồng/chiếc.

Theo GiadinhNet