- Tranh luận về các trường hợp xé rào của một số địa phương vừa qua không chỉ là vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn liên quan đến trách nhiệm của người ra quyết định", Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nói tại phiên thảo luận sửa đổi Hiến pháp sáng 4/6.

Hợp lý thì không hợp pháp

ĐBQH Lê Thị Nga khẳng định, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là một vấn đề cốt yếu của Hiến pháp bất kỳ quốc gia nào.

Mô hình này của nước ta đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới. Đặc biệt trong bối cảnh suốt cả chục năm nay chưa xây dựng được một mô hình nào mới mang tính chất bứt phá.

Theo bà Nga, do sự khác biệt về điều kiện, các tỉnh, thành phố có vị trí trung tâm và động lực về kinh tế, chính trị, văn hóa đã đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Họ đã đề nghị trung ương cho những chính sách riêng để cởi trói cho hành lang pháp lý chung chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của mình.

"Hà Nội đã có luật Thủ đô, TP.HCM, Khánh Hòa, Kiên Giang và một số tỉnh khác có nghị quyết riêng của Đảng hoặc văn bản của Chính phủ cho ưu đãi một số cơ chế, chính sách, mới nhất là Chính phủ vừa có cơ chế ưu đãi đối với Côn Đảo", bà Nga nói.

Xem clip phát biểu của ĐB Lê Thị Nga:

Ngoại trừ luật Thủ đô, thì những cơ chế ưu đãi này đều được điều chỉnh bằng những văn bản cá biệt, không phải của Quốc hội, trong đó có cả văn bản của Đảng, trong khi có một số nội dung trong các văn bản đó vượt quy định của luật.

Bên cạnh đó, một số địa phương lại tự mình đưa ra những quy định xé rào nhằm đáp ứng yêu cầu bức bách về quản lý. Họ bị rơi vào tình trạng hợp pháp thì không hợp lý, hợp lý thì không hợp pháp.

"Những tranh luận sôi nổi về các trường hợp xé rào của một số địa phương vừa qua không chỉ là vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn liên quan cả đến trách nhiệm pháp lý của người ra quyết định", bà Nga lưu ý.

Vị Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp dẫn chứng về  tình trạng xé rào trong ưu đãi đầu tư FDI của 32 tỉnh từ năm 2001 đến 2005, việc hạn chế nhập cư của Đà Nẵng, việc từ chối tuyển dụng đại học tại chức vào các cơ quan công quyền ở Nam Định, Quảng Nam, Đà Nẵng v.v...

Xét về mặt pháp lý, QH không nên để tiếp tục tồn tại tình trạng này, vì không đảm bảo tính pháp chế, tính minh bạch, công bằng và làm hạn chế phát triển chung của cả quốc gia. Thực tế các đô thị đều giữ vai trò hạt nhân đầu tàu và có tác động lan tỏa đến từng khu vực, từng vùng và qua đó tác động đến toàn quốc.

"Đây là thời điểm hợp lý nhất để chúng ta ghi nhận trong Hiến pháp về nguyên tắc có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Đồng thời cũng cần mạnh dạn giao cho Chính phủ nghiên cứu mô hình, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để cho một số địa phương có điều kiện thuận lợi, có thể bứt phá phát triển nhanh đi trước. Đương nhiên, do phải có những cơ chế khác biệt so với bình thường cả về hành chính và kinh tế, nên khi thực hiện chính thức phải được quy định bằng luật", bà Nga nói.

Ồ ạt tách rồi nhập

Liên quan đến tình trạng chia tách, sáp nhập các tỉnh thành trong suốtthời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH cho rằng tiêu chí xác định các đơn vị hành chính, việc phân chia đơn vị hành chính lâu nay chưa khoa học, chưa dựa trên các tiêu chí của pháp luật hay Hiến pháp.

"Năm 1980 cả nước có 36 tỉnh, 3 thành phố trực thuộc Trung ương và 1 đặc khu, sau đó lại lần lượt chia, tách, trả lại gần như trước khi sáp nhập. Lịch sử đã trôi qua nhiều năm, nhưng hệ quả của việc nhập vào, tách ra đó bên cạnh mặt tích cực cũng đã kéo theo vô số những vấn đề phức tạp khác, không chỉ cán bộ mà mỗi người dân sống trong những thời kỳ đó, tại những tỉnh đó đều cảm nhận được", bà Nga đánh giá.

Tiếp tục dẫn ví dụ về tình trạng "tiền hậu bất nhất", bà Nga nói, năm 2004 chúng ta tiếp tục chia 3 tỉnh Đắk Lắk, Cần Thơ, Lai Châu thành 6, nâng tổng số tỉnh lên 64. Để rồi năm 2008 lại nhập Hà Tây và một số huyện của 2 tỉnh khác vào Hà Nội, hạ tổng số tỉnh xuống còn 63.

"Xu hướng chia, tách, thành lập mới các đơn vị cấp huyện, xã ngày càng gia tăng kéo theo gia tăng về bộ máy, biên chế và cơ sở vật chất mà các cơ quan của QH chưa lần nào giám sát để đánh giá thực trạng và tính hợp lý", bà Nga thắc mắc.

Để đảm bảo tính khoa học, khách quan cho việc chia, tách, sáp nhập và thành lập mới các đơn vị hành chính, QH cần quy định tiêu chí làm căn cứ thống nhất cho việc thực hiện và giám sát. Ở tầm Hiến pháp cần có quy định mang tính nguyên tắc làm cơ sở cho luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định cụ thể.

Lê Nhung - Nguồn clip: VTV