- "Triển lãm áo bông không chỉ là thời trang mà còn gợi lại cho tôi cả một quá khứ, đặc biệt thế hệ tôi, những đứa trẻ thời bao cấp".

Chiếc áo bông thêu những họa tiết trong tranh của Lê Thiết Cương.
"Áo bông", hình ảnh gợi nhiều hoài niệm về người phụ nữ Hà Nội xưa trở thành tên của một cuộc triển lãm sắp đặt độc đáo vừa khai mạc tại 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên người ta mang những chiếc áo bông ra để triển lãm.

Hai ý tưởng chung gặp nhau, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy đã nảy ra ý định thực hiện cuộc một cuộc trưng bày đặc biệt dành riêng cho những chiếc áo bông chần cách đây vài tháng và nhanh chóng hiện thực hoá ý tưởng đó vào những ngày giữa tháng 11.

Một góc rất xưa cũ trong triển lãm.
Trong không gian mang đầy chất Hà Nội của Gallery 39, một địa chỉ văn hóa quen thuộc của giới mộ điệu nghệ thuật Hà Nội, những chiếc áo bông đủ màu sắc được treo rất trang trọng. Dưới bàn tay sắp đặt của họa sĩ Lê Thiết Cương, thay vì cho những hình khối xuất hiện, những chiếc áo bông được đặt trên những khung tranh với màu nền sặc sỡ. Rất nhiều trong số đó được thêu những họa tiết đặc biệt, đó là những họa tiết từng xuất hiện trong tranh của chính họa sĩ Lê Thiết Cương.

"Áo bông" có thể nói là một trong những cuộc triển lãm sắp đặt thời trang hiếm có tại Hà Nội. Một cuộc triển lãm "hay, lạ, chưa ai làm" như lời của họa sĩ Lê Thiết Cương. Trong tâm thức của những người Hà Nội từng đi qua thời bao cấp, ký ức về những chiếc áo bông tuy không đẹp, không có nhiều màu sắc và kiểu cách như bây giờ nhưng đã gắn liền với hình ảnh của bà, của mẹ.

NTK Trịnh Bích Thủy làm áo bông ngay tại không gian của Gallery 39.
Giữa cái rét thấu xương của Hà Nội những ngày đông mưa phùn, thấp thoáng bên bậc cửa của những căn nhà đầy rêu phong và cũ kỹ, chiếc áo bông đã đi theo những người phụ nữ của một thời vẫn còn chưa xa. Với nhịp sống gấp gáp của đô thị hiện đại, khi thời trang thay đổi đến chóng mặt theo từng ngày thì chiếc áo bông vẫn là lựa chọn của các bà, các mẹ. Với họ, áo bông không chỉ để giữ ấm trong những ngày gió rét mà còn là cách để nuôi sống những hoài niệm về quá khứ dù Hà Nội hiện tại đã khác xưa rất nhiều.

Trong cuốn sổ nhỏ đặt ngay ở chiếc bàn sát cửa ra vào Gallery 39, rất nhiều cảm xúc của những người đã từng đến với cuộc triển lãm được lưu lại. Một vị khách nước ngoài viết: "Beautiful!" (Tuyệt đẹp!") sau khi xem cuộc triển lãm vào ngày 14/11. Anh Erik đến từ Phần Lan thì nhận xét: "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là những chiếc áo đẹp nhất mà tôi từng được thấy". Một người nước ngoài ký tên là Jim Auchsholm ghi vào cuốn sổ: "Thi thoảng có người hỏi tôi rằng phải tìm những trang phục độc đáo ở đâu. Bây giờ thì tôi đã biết câu trả lời rồi".

Chiếc áo bông gắn liền với người Hà Nội xưa.
Còn đối với nhiều người Hà Nội, "Áo bông" không chỉ là một cuộc triển lãm thông thường bởi nó còn mang trong mình những thông điệp của quá khứ. Với những người già, không gian của cuộc triển lãm này giống như một thước phim quay chậm. Những chiếc áo bông được đặt trên chiếc trường kỷ cũ kỹ có thể khơi gợi lại cho họ hồi ức về cả một quãng đời, về một không gian nào đó trong quá khứ của Hà Nội những ngày còn tiếng leng keng tàu điện. "Tôi rất thích áo bông, tôi yêu áo bông vì nó khiến tôi nhờ về Hà Nội cổ xưa và truyền thống", một khách tham quan triển lãm viết.

Với những người trẻ hơn, nhưng cũng đã kịp sống qua một thời khó khăn, hình ảnh chiếc áo bông cũng đã đi vào ký ức. "Triển lãm áo bông không chỉ là thời trang mà còn gợi lại cho tôi cả một quá khứ, đặc biệt thế hệ tôi, những đứa trẻ thời bao cấp", chị Dương Minh Hằng nói. "Lần đầu tiên tôi được thấy một triển lãm về chiếc áo bông VN. Nó cho tôi nhiều cảm xúc về chiếc áo xưa của bà, của mẹ và cả chiếc áo bông của tôi ngày hôm nay", bạn Lan Anh viết trong cuốn sổ lưu niệm về cuộc triển lãm chiều 14/11.

Ngoài áo dài, áo bông chần cũng có thể coi là một đại sứ văn hóa của Việt Nam.

Hiếm có một cuộc triển lãm nào lại mang đến cho người xem nhiều cảm xúc như vậy. 


Hạnh Phương
Ảnh: Nguyễn Hoàng