Có nhiều dự đoán rằng, ông Tập Cận Bình sẽ trở thành người kế nhiệm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thời gian tới. Nhưng ông là ai? Một nguồn tin thân cận với ông đã cung cấp cho các nhà ngoại giao Mỹ chân dung chi tiết về ông, và nói rằng, ông không ưa gì tham nhũng và cũng không phải là “fan” của chế độ dân chủ.
Tác giả Andreas Lorenz dựa trên những bức điện tín ngoại giao Mỹ đã có bài viết về ông Tập Cận Bình đăng trên trang Spiegel (Đức). Chúng tôi xin giới thiệu với độc giả.
Ông không tham nhũng, và tiền dường như không phải là điều quan trọng với ông. Ông thích nước Mỹ, và từng bị thôi miên bởi những điều thần bí của đạo Phật và thích thú võ thuật châu Á.
Vào ngày 18/10, Uỷ ban Trung ương
Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã bổ nhiệm ông Tập Cận Bình, 57 tuổi, đảm nhận
chức vụ Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Điều này gần như khẳng định rằng, ông
đã được chọn lựa để kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh đạo CPC và Chủ tịch Trung
Quốc năm 2012, trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới, nếu
không nói là là người quyền lực nhất.
Theo nguồn tin Mỹ, ông Tập Cận Bình là người “cực kỳ
tham vọng”, một người đàn ông tốt. Ảnh: Spiegel
Nhưng ai là Tập Cận Bình?
Những người Trung Quốc thậm chí
biết ông ít hơn nhiều người vợ nổi tiếng của mình. Ca sĩ Bành Lệ Viên, 47 tuổi,
người có những chuyến lưu diễn khắp Trung Quốc để cất lên những khúc ca ca ngợi
Đảng, đất nước. Một phụ nữ đẹp, quyến rũ và tài năng, một nữ tướng hai sao trong
quân đội Trung Quốc.
Rất nhiều năm, bà là người không thể thiếu được trong chương trình Đại nhạc hội chào năm mới của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc - sự kiện quan trọng nhất của truyền hình Trung Quốc.
Nguồn gốc gia đình
Tuy nhiên, ít năm gần đây, danh tiếng của chồng bà Bành Lệ Viên, ông Tập Cận Bình đã trở thành tâm điểm thu hút chú ý hơn. Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã đưa ra những thông tin chính xác về vị lãnh đạo tương lai của Trung Quốc. Theo nguồn tin Mỹ, ông Tập là người “cực kỳ tham vọng”, một người đàn ông tốt. Ông cũng xuất thân trong một gia đình tốt. Ông là con trai của nhà cách mạng, nguyên là phó thủ tướng Tập Trọng Huân - là một vị “thái tử”, một trong các thành viên của tầng lớp con cháu các lão thành cách mạng Trung Quốc.
Theo nội dung của một trong các bức điện tín của đại sứ quán Mỹ, ông Tập trưởng thành trong một môi trường “được chở che”. Ông trải qua thời niên thiếu ở một quận Bắc Kinh chuyên dành cho các quan chức cao cấp. Về lý thuyết, Trung Quốc chính chức không phân chia tầng lớp, những cộng đồng nơi ông ở có sự phân định hàng ngũ rất chặt chẽ: Thành viên Bộ Chính trị có nhà tốt hơn, ô tô công lớn hơn và được mua sắm ở những cửa hiệu tốt hơn là các bộ trưởng hay thứ trưởng.
Tầng lớp con ông cháu cha của những gia đình ấy “thừa hưởng và nắm rõ” từ thế hệ đi trước rằng, một ngày nào đó, họ sẽ được chọn lựa để “nắm giữ vị trí thích hợp trong tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc”.
Năm 1966, Cách mạng Văn hoá nổ ra, những người đối lập với Chủ tịch Mao bấy giờ bị thanh trừng. Cha của ông Tập bị bắt giam, còn bản thân ông phải tới vùng nông thôn, làm việc trên những cánh đồng.
Đầu những năm 1970, ông và nhiều vị “thái tử” khác được phép trở lại Bắc Kinh. Nhưng trong khi rất nhiều bạn bè cùng thời sung sướng với môi trường tự do mới, ông lại lựa chọn một con đường khác. "Ông lựa chọn để tồn tại bằng cách trở thành đỏ phải thật đỏ”, nguồn tin của đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh.
Kẻ không may
Năm 1974, bất chấp thực tế là, người cha còn ở trong tù, ông Tập gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc - một quyết định khi ấy khiến ông gây mất lòng tin cho các “thái tử” cùng lứa. Trong khi bạn bè mải mê theo đuổi văn chương phương Tây, ông Tập lại đọc tác phẩm của Karl Marx và thậm chí gia nhập uỷ ban “công nông binh”. Sau đó, ông theo học trường đại học danh tiếng Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Đầu tiên, ông học ngành hoá chất và chủ nghĩa Max trước khi có bằng tiến sĩ luật học năm 1979.
Rời trường học, ông gia nhập quân đội, làm việc như một thư ký trong văn phòng Quân uỷ trung ương tại Bắc Kinh, cho dù cấp bậc của ông khi ấy chưa được biết rõ.
Trong cuộc sống riêng tư, ông Tập không gặp nhiều may mắn. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông với Ke Xiaoming - con gái một nhà ngoại giao rất tao nhã, có giáo dục - nhanh chóng rạn vỡ. Theo nguồn tin Mỹ, cuối cùng, Khả trở về Anh còn Tập ở lại Trung Quốc.
Đối mặt
Ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đưa ra một quyết định lớn. Ông hiểu rằng chỉ có thể trở thành một chính khách có sự nghiệp nếu ông tạm thời rời khỏi “chiếc bóng” hay “nhóm quyền lực” của Bắc Kinh, và thu thập kinh nghiệm ở các vùng nông thôn. Ông dường như hiểu rằng, những quan hệ của cha mình chưa đủ, và rằng những rủi ro ở thủ đô là quá lớn.
Ông dần dần đặt chân từng bước một trên nấc thang sự nghiệp tại các tỉnh Hà Bắc, Phúc Kiến và Chiết Giang.
Trong thời gian ở phía đông Trung Quốc, ông Tập trở nên bị cuốn hút với những điều thần bí đạo Phật, kỹ thuật hít thở khí công và võ thuật. Dường như, ông tin tưởng vào các lực lượng siêu nhiên.
Năm 2007, ông được bổ nhiệm là Bí thư Thành uỷ Thượng Hải. Thời gian ấy, Thượng Hải xảy ra vụ bê bối tham nhũng lớn và Bắc Kinh khẳng định cần một “bàn tay sạch” để lấy lại danh tiếng. “Nhóm Thượng Hải” khi ấy vẫn còn ảnh hưởng của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân muốn có ông Tập Cận Bình. Ông được xem là người liêm khiết và có khả năng là “thanh sạch” hàng ngũ đảng.
Chỉ bảy tháng làm việc tại trung tâm tài chính Trung Quốc, ông Tập trở lại Bắc Kinh và được bổ nhiệm làm phó Chủ tịch Trung Quốc. Chiến lược sự nghiệp của ông Tập đã thành công. Theo mô tả trong một bức điện tín của đại sứ quán Mỹ, ông Tập được cho là người theo thuyết duy thực và chủ nghĩa thực dụng, một người giữ kín các quân bài trước khi lạnh lùng tung ra quân át vào thời điểm hợp lý.
Thượng cấp nghiêm nghị
Tập Cận Bình không quan tâm tới tửu sắc. Đây là một đặc điểm tương đồng với ông Hồ Cẩm Đào.
Tập biết về thế giới bên ngoài biên giới Trung Quốc. Chị gái của ông sống ở Canada, còn em trai ông ở Hong Kong. Tuy nhiên, ngoại giao Mỹ tin là, ông Tập nghĩ chỉ có thể đóng một vai trò nổi bật ở trong nước. Tập thăm nước Mỹ năm 1987, và dành thời gian ở Washington. Tuy nhiên, dường như ông không có ấn tượng đặc biệt.
Trong khi đó, ông rất thông hiểu đất nước của mình. Ông biết về nạn tham nhũng, ông căm ghét kiểu sống trọc phú khoe giàu. Sợ hãi lớn nhất của ông là một kỷ nguyên thị trường tự do mới sẽ cướp đi phẩm giá và lòng tự trọng của con người. Ông khá “hạn chế” trong việc thể hiện những sáng kiến chính trị hay quảng bá ý tưởng của mình.
Theo đánh giá của ngoại giao Mỹ, ông Tập không nghĩ nhiều về cải tổ dân chủ. Ông tin là, chỉ một nhóm nhỏ mới có thể duy trì ổn định xã hội Trung Quốc và dẫn dắt đất nước lên những đỉnh cao mới. Ông nói, các vị “thái tử” là “người kế thừa hợp pháp” cuộc cách mạng của Trung Quốc.
-
Thái An (Theo Spiegel)