* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả 

Đọc bài của bạn Ngọc Nga tôi thấy quá chí lý nhưng bạn nhặt sạn vẫn chưa đủ nên tôi cũng xin góp một bài. Tôi là một fan của phim truyền hình Việt Nam. Thời gian gần đây, có rất nhiều phim phát sóng khung giờ vàng tôi thấy đáng để xem. Với Phố trong làng, tôi cũng đã rất mong chờ bởi đó là một bộ phim về đề tài nông thôn, công an xã. Tôi đã tưởng tượng, phim sẽ rất thực tế, nói lên nhiều hiện trạng của làng, xã hiện tại.

Thế nhưng, phim đã chiếu tới hơn 40 tập, càng xem tôi càng thấy nội dung có vẻ cồng kềnh và thiếu thực tế, logic và thực sự nản muốn bỏ.

Trong phim, Nam là công an xã chính quy nhưng nghiệp vụ không rõ ràng. Trong tập 40 có phân đoạn đi cứu bé Tình, Nam tự ngã rồi tự đau trông rất gượng gạo. 

{keywords}

Khi thấy bé, lẽ ra chỉ cần nhẹ nhàng tới ôm đằng sau là được. Đằng này, cô y tá lại còn cố tình gọi để cho bé giật mình à? Đạo diễn có thể muốn tạo kịch tính nhưng những chi tiết này lại thừa, không thực tế. Với tôi, đây là một pha xử lý rất cồng kềnh. Chưa kể mọi người phối hợp với nhau thì chậm chạp không khác gì phim Ấn Độ.

Lẽ ra tình huống này sẽ rất kịch tính và hồi hộp nhưng sao tôi chỉ thấy buồn cười thôi. Ở tập này cũng có sự bất hợp lý khi chuyển cảnh. Nam, Ngọc và Hoàng đang đi cứu bé Tình thì cảnh nối tiếp là Nam và Ngọc ngồi tâm sự, ôm nhau dưới gốc cây gây khó hiểu cho người xem.

Không chỉ các anh công an, nhân vật y tá Ngọc cũng không khiến tôi có cảm tình. Cô y tá này sao không làm việc ở trạm xá mà chỉ thấy đi theo mấy anh công an. Khi xem phim, tôi nghĩ rằng, y tá ở ngôi làng này không làm đúng nhiệm vụ chức trách mà chỉ biết đi lo việc không đâu riêng tư cá nhân là chính.

Một hạt sạn lớn khác của phim đó là khi Ngọc băng bó vết thương trên đầu bé Tình khi bé bị thương. Chiếc bông băng dán hờ hững trên tóc của cô bé dù đầu phải khâu nhiều mũi trông khá cẩu thả và buồn cười.

Một tình tiết khác cũng khiến tôi rất ức chế khi xem đó là Đông dẫn tội phạm về thăm vợ bất chấp lệnh của cấp trên. Tôi nghĩ, một công an chính quy được đào tạo bài bản sẽ không bao giờ làm như vậy. Chi tiết có thể cho thấy cái tình của anh công an trên nhưng về lý thì tình huống này rất khó chấp nhận và có phần thiếu thực tế.

{keywords}
Đoạn chuyển cảnh trong tập 40 gây khó hiểu cho khán giả.

Phim này còn khá nhiều tình tiết không thực tế. Bé Tình đốt xe của bố có thể hiểu được đó là tai nạn nhưng mới bị bố mắng, bé đã bỏ nhà ra đi, rồi chạy lên núi đòi tự sát. Cá nhân tôi cảm thấy phần khai thác nhân vật một em bé như vậy là hơi lố. Trẻ con mà nói chuyện hơn cả người trưởng thành. Mục đích của đạo diễn có lẽ nhằm gây kịch tính nhưng hơi quá so với tuổi của một em bé. Chưa kể điều này có thể gây hiệu ứng không tốt cho các bé xem phim nếu như chúng học theo mỗi khi bị cha mẹ hay ai đó trách mắng.

Trong tập 39, khi Tình bị bố mắng, bố mẹ cãi nhau, cô bé đã nói rất nhiều câu triết lý, nói bố sĩ diện, khoe khoang nên mọi người ghét bố. Cháu bé muốn quay về như trước, như cái hồi bố vẫn chưa có tiền. Đúng là chỉ có ở trên phim! Ngoài đời được mấy ai như đứa bé Tình. Tôi nghĩ, ở tuổi cô bé, các cháu chưa chắc đã hiểu sĩ diện là gì. Diễn viên nhí diễn khá tốt nhưng tình huống và kịch bản theo tôi lại chưa phù hợp.

{keywords}
Phân đoạn nói về người yêu cũ bất hợp lý.

Về trang phục, tôi thấy cô y tá Ngọc vừa diễn cứng, vừa có trang phục không phù hợp, không gây được thiện cảm với khán giả. Rồi cả nhân vật Mến, diễn xuất không chê được nhưng mà mấy tập phim vẫn mặc nguyên một chiếc áo. Nhân vật này bán đất, có tiền, là đại gia rồi thì trang phục cũng nên thay đổi hơn trước.

Trong tập 41, phân đoạn Nam tự nhiên giải thích với Ngọc chuyện đi gặp lại bạn gái cũ mà không có tình tiết gì hợp lý dẫn vào cũng là một cảnh không hợp lý. Chi tiết này đáng lẽ phải diễn ra sau tập Nam đi gặp bạn gái cũ nhưng sau hơn chục tập mới cho vào. Tôi cũng chưa hiểu dụng ý của đạo diễn ở đây là gì?

Với tôi, đây là một kịch bản phim non tầm, thiếu điểm nhấn trong xây dựng tính cách nhân vật. Lời thoại cũng không có ý gây ấn tượng, lay động lòng người xem. Tất cả những điều trên cộng với dàn nhân vật chính diễn 'đơ' khiến tôi thấy phim ngày càng cồng kềnh và chán. Hy vọng những góp ý của tôi sẽ đến được với ê kíp thực hiện để họ nhận thấy thiện chí để các tập cuối hoặc các phim sau làm hấp dẫn, hợp lý hơn.

Bạn đọc Hà Hoài (Hà Nội)

Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi vào địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của bài viết đã đăng trên VietNamNet.

Mệt mỏi với hai diễn viên chính của 'Phố trong làng'

Mệt mỏi với hai diễn viên chính của 'Phố trong làng'

Hiếm có phim nào mà hai diễn viên chính diễn xuất nhạt nhẽo và hoàn toàn lu mờ trước dàn nhân vật phụ như 'Phố trong làng'.