Trần Anh Hùng không hề cảm thấy áp lực khi làm phim về một cuốn tiểu thuyết đã chiếm được cảm tình của hàng triệu độc giả trên thế giới. "Sách là sách mà phim là phim. Áp lực duy nhất là bạn phải làm cho được một bộ phim tử tế", nhà làm phim 48 tuổi nói.

 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyển thể một cuốn tiểu thuyết đã quá nổi tiếng trên toàn thế giới lên màn ảnh là một việc làm vô cùng khó với bất cứ đạo diễn nào. Điều này còn khó hơn nhiều khi bạn phải kể một câu chuyện bằng một ngôn ngữ khác. 23 năm kể từ khi Rừng Na Uy ra mắt công chúng lần đầu, Trần Anh Hùng đã hoàn thành giấc mơ đưa Rừng Na Uy lên màn ảnh sau hơn 10 năm ấp ủ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ban đầu anh viết kịch bản bằng tiếng Pháp rồi dịch nó sang tiếng Anh và tiếng Nhật. "Murakami hết sức cởi mở. Anh ấy nói tôi có thể viết kịch bản bằng bất cứ ngôn ngữ nào mà tôi muốn. Nhưng tôi nói rằng tôi muốn viết nó bằng tiếng Nhật vì cuốn tiểu thuyết lôi cuốn tôi chính bởi chất Nhật Bản trong đó", đạo diễn người Pháp gốc Việt nói.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Anh Hùng nói anh quyết định chọn Kikuchi (từng được đề cử Oscar 2007 cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với phim "Babel") vào vai Naoko có ảnh hưởng rất lớn với bộ phim. Gần như việc chọn tất cả các diễn viên còn lại trong phim đều phụ thuộc vào ý kiến của Kikuchi cũng như nhân vật cô hoá thân vào.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, Rừng Na Uy là câu chuyện về quãng đời thời trai trẻ của Watanabe với nhiều biến động tình cảm. Watanabe từng có tình bạn bộ 3 thân thiết với Midori và Naoko. Cái chết đột ngột của Midori để lại cú sốc tinh thần cho cả Watanabe và Naoko. Bỏ lại Kobe phía sau cùng những nỗi buồn, Watanabe lên Tokyo. Cậu đến với Naoko như một lẽ tự nhiên để xoa dịu vết thương lòng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong quãng thời gian học đại học, Watanabe đã rơi vào mê cung tình cảm giữa hai người con gái đối lập về tính cách: một Naoko trong sáng, nhạy cảm, yếu đuối và một Midori hoạt bát, sống động, luôn đem đến cho anh nhiều bất ngờ khám phá. Ở giữa hai người con gái, Watanabe rơi vào hai dòng cảm xúc: vừa bi thương, tuyệt vọng vừa khát khao sống và không thôi hy vọng vào tương lai. Câu chuyện tình đặc biệt ấy được đặt trong bối cảnh những năm 1960 đầy biến động của nước Nhật.

 

Khác với câu chuyện u hoài trong cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng hình ảnh Watanabe hồi tưởng quá khứ khi nghe bản nhạc Rừng Na Uy của ban nhạc The Beatles, bộ phim được đạo diễn Trần Anh Hùng kết cấu lại bằng điểm nhìn thì hiện tại. Ở đó, các nhân vật được gắn kết với nhau theo tuyến tính thời gian. Điểm khác biệt này, như chia sẻ của đạo diễn, sẽ giúp người xem cảm nhận câu chuyện tình theo một hướng mới, đặc biệt là sự chân xác trong những cung bậc cảm xúc của những người trẻ tuổi.

 

Câu chuyện tình trong tác phẩm văn học được đạo diễn xử lý tinh tế với những đồng cỏ trải dài, những cánh rừng ngút ngàn và những vùng đất phủ mờ tuyết trắng. Giữa mênh mông tuyết trắng ấy, Watanabe lạc lõng, cô đơn đi tìm cái tôi đã mất. Với Rừng Na Uy, Trần Anh Hùng, như thường lệ, chăm chút tỉ mỉ cho từng cảnh quay.

 

Trong cuốn tiểu thuyết, lần đầu Watanabe đến thăm Naoko ở trung tâm điều dưỡng là vào mùa thu, nhưng thời điểm này, các đồng cỏ ở Nhật Bản mọc quá cao. Vì thế, để có được bức nền cảnh cánh đồng cỏ đẹp nhất và lột tả chân xác nội tâm nhân vật, đạo diễn đã phải chờ đến mùa Thu để quay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phim công chiếu tại Việt Nam từ ngày 31/12/2010.

  • Hoàng Vy