CEO Xiaomi Lei Jun cho biết, nỗi lo sợ lệnh cấm vận của Mỹ năm 2021 là động lực để ông xây dựng mảng xe hơi điện (EV) từ con số không, bất chấp đây là lĩnh vực đầy thách thức.

Trong bài phát biểu gần 3 tiếng mới đây, người đứng đầu Xiaomi nhớ lại phản ứng đầu tiên khi công ty của ông bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen. Ông đã triệu tập một cuộc họp ban lãnh đạo khẩn cấp để tìm phương án xử lý trước các quy định mới. Theo đó, các nhà đầu tư Mỹ bị cấm nắm giữ cổ phần nhà sản xuất smartphone Trung Quốc.

Bốn tháng sau, Xiaomi giành chiến thắng hiếm hoi trên tòa và được gỡ tên khỏi danh sách. Đây là một trong những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên làm được điều này. Dù vậy, sự cố buộc Lei phải nghĩ về tương lai của công ty mà ông sáng lập từ năm 2010.

658e1986a31040acaf83661e.jpeg
CEO Xiaomi Lei Jun tại lễ ra mắt xe điện SU7 ngày 29/12/2023. Ảnh: China Daily

Khác với Huawei – vốn đối mặt với các lệnh cấm vận khắc nghiệt từ Mỹ, Xiaomi không có tên trong bất kỳ danh sách đen thương mại nào của Mỹ. Do đó, có thể mua được những con chip mới nhất từ Qualcomm, yếu tố quan trọng để duy trì cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nơi Apple và Samsung đang thống trị. Xiaomi cũng vẫn được sử dụng dịch vụ Google – thứ đã “khai tử” mảng kinh doanh di động Huawei ở nước ngoài.

Dù mới bán mẫu sedan SU7 vào tháng 3, Xiaomi đã tìm thấy thành công trên thị trường nhờ chiến lược định giá hợp lý. Cho đến nay, công ty của Lei giao hơn 30.000 xe đến tay khách hàng. “Lính mới” đang trên đà đạt mục tiêu thường niên 100.000 xe vào tháng 11.

Để so sánh, Tesla bán được 603.664 xe tại Trung Quốc năm 2023, tăng 37% so với năm 2022.

Xiaomi tiết lộ kế hoạch ra mắt bộ phận EV vào tháng 3/2021, chỉ hai tháng sau khi Mỹ cấm vận. Theo Lei, Xiaomi đã từ chối vốn đầu tư mạo hiểm, thay vào đó tự bỏ ra 10 tỷ USD để bước vào thị trường ô tô điện. Lei gọi đó là “dự án khởi nghiệp lớn cuối cùng” của cuộc đời mình. Trong 10 tỷ USD này, Xiaomi dành 5,5 tỷ NDT (756,3 triệu USD) xây nhà máy ở Bắc Kinh rộng 718.000m2.

Thị trường EV Trung Quốc đã trở nên bão hòa với vô số các startup và hãng xe truyền thống, tạo ra cuộc chiến giá khốc liệt. Là người đến sau, Xiaomi phải đối đầu với Tesla, Xpeng, Nio nên quyết định giảm giá để nhanh chóng giành sân. Tại buổi giới thiệu SU7, Lei cho biết công ty đang bán lỗ mẫu xe, giá khởi điểm 215.900 NDT (hơn 751 triệu đồng).

Nhà máy Bắc Kinh đã phải tăng ca gấp đôi vào tháng 6 để đáp ứng đơn hàng. Theo truyền thông địa phương, thời gian sản xuất hằng ngày tại đây tăng từ 8 giờ lên 16 giờ, sản lượng hằng tháng tăng lên gần 20.000 xe. Trước đó, CEO Lei chia sẻ nhà máy có thể sản xuất 40 xe SU7 mỗi giờ.

Xe điện Xiaomi trang bị chip Qualcomm và Nvidia, cũng như chip SoC S1 và cảm biến hình ảnh C1 tự phát triển.

(Theo SCMP, Cailian)