Tranh luận lại với những ý kiến trong phần "3 năm không bằng 30 phút", độc giả Thượng Thanh cho rằng, trong những ngày này, có nhiều ý kiến về thi tốt nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp. Lí do nêu ra thì nhiều nhưng chủ yếu là không tin tưởng vào tính nghiêm túc của kì thi.

Theo cách hiểu của cá nhân tôi thì lập luận như thế là không hợp lí.

Các bạn bảo bỏ kì thi tốt nghiệp vì nó không nghiêm? Thế sao các bạn không tự đặt câu hỏi: đến kì thi cả xã hội quan tâm như thế mà người ta còn làm không nghiêm thì liệu có thể tin được các kì kiểm tra mà xã hội ít để ý?

Nếu thế thì ta lại kiến nghị bỏ nốt các kì kiểm tra trong năm hay sao? Và tóm lại là cứ ghi tên và có đi học là công nhận đã hoàn thành chương trình? Vậy thì tổ chức các lớp học để làm gì?

 Không biết ở nước khác thì thế nào, chứ ở nước ta thì ở mọi cấp, mọi lớp học, mọi đối tượng học (kể cả các vị lãnh đạo đi học cũng thế), phổ biến tình trạng không kiểm tra nghiêm túc thì người học không học. Còn lâu mới có được cảnh người học tự giác học khi không có sự kiểm tra. Bệnh thành tích, mà nói thẳng ra là thói quen không muốn làm nhưng vẫn muốn ghi công, muốn hưởng thụ ăn sâu quá rồi.

Xin các bạn đừng tập trung công kích các kì thi. Các kì thi là cần và mỗi nước thi mỗi kiểu.

Các bạn hãy tập trung công kích những đối tượng đã làm hỏng các kì thi. Hãy mạnh dạn chỉ rõ tên, hãy nêu các bằng chứng cụ thể về các đối tượng có những hành vi tiêu cực, không kể đó là ai, địa vị xã hội như thế nào.

Và khi đã có bằng chứng công khai như thế thì hãy giám sát việc xử lí của các cơ quan có trách nhiệm đến cùng xem họ có làm đúng chức năng, theo đúng tinh thần của luật pháp hay không. Ai vi phạm các quy tắc thi cử là người vi phạm luật pháp. Nếu như ai đó xem nhẹ đạo lí, không biết xấu hổ thì ít nhất họ cũng phải sợ vi phạm luật pháp nếu luật pháp được thực thi nghiêm minh.

Các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đăng tải rất nhiều ý kiến của bạn đọc đối với vấn đề thi cử.

Có nhận xét rằng độc giả đã nêu các vấn đề rất bức xúc, phản ánh rất đúng những gì đã xảy ra.

Nhưng hầu hết các ý kiến phản ánh của bạn đọc đều thiếu chỉ một thứ, đó là cái tên (tên người, tên địa điểm, thời gian xảy ra sự việc).

Chính vì thiếu nó nên ngay cả các vị tiêu cực trong thi cử vẫn cứ coi như mình vô can.

Những đơn vị đã vi phạm vẫn cứ”hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Và những cơ quan chức năng có cớ là thiếu thông tin để rồi cái tiêu cực cứ tiếp diễn gây nhức nhối cho xã hội.

Và xét cho cùng thì nhiệt huyết của chúng ta cũng chỉ là sự ném đá ao bèo, đánh bùn sang ao.

Nếu các bạn đã quan tâm đến giáo dục, hãy quan tâm một cách đầy đủ. Nếu không, ý kiến của ta có thể đúng nhưng dễ bị chìm vào quên lãng. Cũng có khi ý kiến của ta được nêu ra khi ta chưa suy xét thấu đáo rồi bị trích dẫn thì rất có hại.

Và một điều rất nên chú ý, khi thấy vấn đề ta nêu được rất nhiều người quan tâm, hãy đòi hỏi ý kiến phúc đáp của những người có trách nhiệm.

Mỗi chúng ta đều có quyền đòi hỏi như vậy. Và các cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm thoả mãn những yêu cầu rất chính đáng của mỗi công dân.

  • Thượng Thanh