- Một độc giả ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện ông có 4 bằng đại học nhưng phải đi làm bảo vệ vườn hoa vì không xin được việc.
Các tin liên quan |
Đầu tiên, tôi xin tâm sự về hoàn cảnh của mình: Trong quá trình cổ phần hóa từ 2002 đến 2008, công ty bán toàn bộ cổ phần cho tư nhân, tôi có 4 bằng ĐH nhưng không có cổ phần nên phải về hưu với trợ cấp ít ỏi. Tôi xin việc ở công ty khác nhưng rất khó vì hệ số lương (6,31). Đi làm thuê thì tuổi cao, sức yếu. Kinh doanh thì không vốn, không địa điểm (có mỗi kiến thức kinh tế và sự tử tế thì xã hội không cần).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí) |
Thất nghiệp, tôi đành xin làm bảo vệ vườn hoa và tranh thủ trồng rau, nuôi dăm ba con gà đẻ trứng ở vườn coi như một khoản tự cung, tự cấp. Không điện thoại, không rượu, bia, thuốc lá, không tiền ma chay hiếu hỉ... mỗi tháng để dành được 1,5 triệu gửi cho vợ (đang làm công nhân thu nhập 3 triệu/tháng) nuôi 2 con đang đi học. 4,5 triệu đồng/tháng nuôi 4 người với đủ các loại tiền gạo, nước, điện, gas, xăng... cho đến học phí... Nhìn các con đói, lòng tôi đắng ngắt!
Tôi cũng xin chia sẻ câu chuyện "3 năm, tôi đang nghèo đi 2 lần!" của chị nhà báo. Thực sự trong điều kiện tình hình kinh tế hiện nay "thời bão giá" những người làm công ăn lương không có thu nhập phụ điều khó khăn như chị cả, đành phải tự xoay xở thôi chị ạ! (trừ khi làm giám đốc sở tài chính như ông X ở tỉnh K va li lúc nào cũng chật ních tiền, vàng).
Quốc hội, chính phủ đang rất "đau đầu" về vấn đề điều chỉnh (tăng lương) cho cán bộ trong điều kiện nợ công đang được dự báo trên 64%. Nhiều chuyên gia, nhiều nhà hoạch định chiến lược đang nghiên cứu, hiến kế "cần một giải pháp đồng bộ", nhưng chỉ bàn và nói thôi cũng không biết đến bao giờ lương công chức mới đảm bảo mức sống "trung bình".
Theo tôi, trước hết: phải tinh giản ngay biên chế, cắt ngay 30% sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về (bộ máy chúng ta đang quá cồng kềnh vậy nhưng cơ quan nào cũng kêu thiếu người làm, bộ nào cũng đòi tăng biên chế), thứ hai là đưa các tiêu chuẩn được phục vụ vào lương (nhà, xe, điện, nước, điện thoại...) vào lương (đây là giải pháp chống lãng phí hiệu quả nhất), không thể để tình trạng "của chùa cứ xài vô tư".
Thứ ba là quyết liệt chống lãng phí, tham nhũng, đầu tư công kém hiệu quả (đường làm trước hỏng sau, cầu làm trước hỏng sau, trụ sở làm năm trước năm sau hỏng, một số tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên..), có vậy mới mong có nguồn lực để tăng lương cho công chức chị ạ!
Bạn đọc Phong Lê
Bạn nghĩ gì về câu chuyện này? Bạn có thể chia sẻ câu chuyện của mình theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc email: doisong@vietnamnet.vn! Trân trọng cảm ơn! |