Vụ án tranh chấp đòi mặt bằng cửa hàng cho thuê giữa gia đình cụ Nguyễn Thị Nhàn (chủ nhà) và người thuê là ông Dương Văn Mầu tại số 2 Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kéo dài gần 30 năm phải trải qua nhiều phiên xét xử. 

Hồ sơ cho thấy ngôi nhà do cụ Nguyễn Thị Nhàn và chị gái Nguyễn Thị Hay (sinh năm 1921) mua chung từ năm 1954, có giấy tờ chứng thực. Sau khi mua nhà do chưa có nhu cầu sử dụng nên chị em cụ Nhàn cho ông Dương Văn Mầu thuê tầng trệt.

Căn nhà có 2 mặt tiền nằm tại ngã tư Hàng Điếu giao với Bát Đàn và được đánh giá có vị trí đắc địa tại khu phố cổ Hà Nội. Diện tích lô đất là khoảng 20 m2 và được xây 2 tầng. 

Cuối năm 1954, cụ Hay di cư vào miền Nam rồi sang định cư tại Canada nên cụ Nhàn đứng ra thu tiền thuê nhà. Năm 1992, cụ Nhàn thông báo đòi lại căn nhà trên để sử dụng nhưng gia đình ông Mầu không đồng ý trả lại với lý do trước đây thuê nhà không có văn bản. Người này cũng lấy lý do cụ Nhàn từng có ý bán nhà cho mình.

{keywords}
Căn nhà số 2 Hàng Điếu. Ảnh: Văn Hưng.

Ông Mầu quyết ở lại ngôi nhà phố Hàng Điếu và cho rằng cụ Hay đang sống ở nước ngoài, cụ Nhàn chỉ sở hữu một nửa nên không có quyền đòi nhà. Ông này yêu cầu mua lại tầng một căn nhà.

Sau đó, gia đình cụ Nguyễn Thị Nhàn đã đưa vụ việc ra tòa nhờ phân xử. Tại phiên tòa sơ thẩm năm 1993, TAND TP. Hà Nội đã ra quyết định cụ Nhàn được nhận lại nhà. Thậm chí vào lúc đó, gia đình nguyên đơn có thành ý biếu gia đình ông Mầu căn nhà ở số 28A phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Gia đình cụ Nhàn còn đề nghị không lấy tiền thuê nhà và hoàn trả tiền người thuê bỏ ra sửa chữa.

Bị đơn là ông Mầu không đồng tình và đã kháng cáo. Sau nhiều phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và đến cấp giám đốc thẩm, vụ án vẫn không thể kết thúc. Phải đến năm 2017, tòa ra phán quyết cuối cùng yêu cầu đòi nhà để trả cho gia đình cụ Nhàn.

Sau phán quyết, gia đình ông Mầu vẫn tiếp tục sinh sống tại căn nhà số 2 Hàng Điếu mà không trả lại. Ngày 11/7, các cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm đã phối hợp thi hành án, cưỡng chế để giao cho chủ sở hữu. Quá trình cưỡng chế chỉ  diễn ra trong ít giờ đồng hồ.

Người dân sống xung quanh khu vực này cho biết trước khi bị cưỡng chế, căn nhà số 2 Hàng Điếu chuyên sưu tầm, phục chế quạt cổ. Ngoài ra, địa chỉ này còn nổi tiếng với món xôi rán và lúc nào cũng đông khách.

Theo ghi nhận, hiện con trai của cụ Nguyễn Thị Nhàn đã chuyển đến sinh sống bên trong ngôi nhà, nhưng đồ đạc vẫn chưa có nhiều. Mặt tiền căn nhà sau khi bị cưỡng chế vẫn được giữ nguyên, riêng cửa sổ trước đây luôn mở phục vụ sửa chữa quạt cổ thì nay đã đóng kín, cố định bằng nhiều tấm ván gỗ.

Theo một số doanh nghiệp bất động sản thổ cư, giá nhà khu vực phố cổ Hà Nội ở mức đắt đỏ tại thủ đô. Giá đất giao dịch trên thị trường vào khoảng 500-700 triệu đồng/m2. Với một số tuyến phố, giá nhà còn lên tới 1 tỷ đồng/m2. Giá thuê ki ốt bán hàng ở khu vực này cũng thuộc hàng đắt đỏ với mức phổ biến từ 50 đến 70 triệu đồng mỗi tháng.

(Theo Zing)