Giải quyết đói nghèo phải nằm trong tổng thể chiến lược phát triển KT-XH của cả nước nói chung và các tỉnh nói riêng; phải nhìn tổng quan toàn diện, trong đó có cả khách quan và chủ quan.

Ở Việt Nam, phần lớn hộ nghèo sống trong khu vực nông thôn với công việc chính là sản xuất nông nghiệp. Đầu tư công trực tiếp làm tăng thu nhập cho người nông dân thông qua tăng năng suất sản xuất nông nghiệp. Và khi năng suất lao động tăng đồng nghĩa với việc người lao động trong khu vực nông nghiệp sẽ có mức lương cao hơn, góp phần giảm nghèo. Trong bài viết này, tác giả thử dẫn ví dụ từ hạ tầng điện.

Xác định được tầm quan trọng của tiêu chí điện nông thôn, ngay từ khi triển khai thí điểm (trước năm 2010) và giai đoạn áp dụng rộng rãi, Bộ Công Thương đã xây dựng văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh/thành phố phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo sở, ngành, đơn vị quản lý lưới điện phân phối và bán lẻ điện nông thôn, căn cứ các quy định hiện hành để triển khai thực hiện.

Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều phong trào thi đua xây dựng NTM, nổi bật là Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Ngành Công Thương chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã đạt tiêu chí số 4.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, Bộ Công Thương chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… để huy động nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Đồng thời chỉ đạo các Sở Công Thương, EVN đẩy mạnh triển khai chương trình, góp phần hoàn thành tiêu chí điện nông thôn.

{keywords}
Hệ thống lưới điện nông thôn đang ngày một được đầu tư, nâng cấp - Hình minh họa

Báo cáo của EVN cho thấy, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tại địa phương, cập nhật thông tin về kế hoạch xây dựng NTM để bổ sung cho kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển điện nông thôn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị điện lực thường xuyên kiểm tra, đánh giá hệ thống điện và tình hình cung cấp điện nông thôn để có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp đối với những khu vực có hệ thống điện bị hư hỏng, xuống cấp, quá tải. Đồng thời, đầu tư phát triển mới nhằm duy trì, giữ vững đối với những địa phương đã đạt chuẩn; xây dựng phát triển thêm những địa phương mới đạt tiêu chí số 4.

Trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã đầu tư 50.100 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp hệ thống điện nông thôn. Giai đoạn từ 2016 - 2019, các đơn vị điện lực đã huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau cho việc đầu tư phát triển lưới điện, tổng số nguồn vốn đạt 81.700 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015.

Những nỗ lực trên đã cho kết quả tích cực, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng của thế giới về công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… Theo đó, năm 2011, cả nước có 3.545 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 39,12%. Năm 2015, 6.330 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 70,6% tổng số xã trên cả nước thì đến 30/6/2019, số xã đạt tiêu chí số 4 là 7.514, đạt 84,26%. Đặc biệt, các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo cũng được sử dụng điện lưới quốc gia, hoặc nguồn điện tại chỗ với giá điện và dịch vụ theo mặt bằng chung của đất nước.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, sở dĩ tiêu chí điện nông thôn đạt được kết quả tích cực và là điểm sáng của cả chương trình là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM và Bộ Công Thương. Nhờ đó, đã tạo nên sự đồng thuận cao trong việc thực hiện chủ trương xây dựng tiêu chí số 4.

Bài: Lê Vũ Phong - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV