Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Kiên Giang, gắn với Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (TTTGPLNN) tỉnh đẩy mạnh công tác triển khai, tập huấn pháp luật về trợ giúp pháp lý cho cán bộ, tổ chức có liên quan, nhất là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Công tác truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức phong phú qua Chuyên mục “Phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý và giải đáp pháp luật” trên Báo Kiên Giang; Cổng thông tin điện tử của Trung tâm; Bảng thông tin trợ giúp pháp lý gắn tại tất cả các địa điểm tiếp công dân, trụ sở UBND các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng; tờ gấp pháp luật…
“Xóa đói, giảm nghèo” về pháp luật có vai trò rất quan trọng. Ảnh minh họa |
TTTGPLNN tỉnh tổ chức các chuyến về cơ sở để tư vấn pháp luật cho tất cả 18 xã nghèo, xã bãi ngang ven biển và 31 ấp đặc biệt khó khăn, bảo đảm mỗi năm, những địa phương này người dân có nhu cầu được tư vấn pháp luật ít nhất một lần. Với các xã khác phát sinh nhiều nhu cầu trợ giúp pháp lý, là điểm nóng về khiếu kiện, Trung tâm tổ chức tư vấn pháp luật theo yêu cầu của chính quyền cấp xã.
Qua 04 năm (2016-2019), Trung tâm đã tư vấn ở xã nghèo và ấp đặc biệt khó khăn được 2.672 vụ việc cho 2.672 người; truyền thông và tập huấn về trợ giúp pháp lý, hòa giải mâu thuẫn tranh chấp tại những nơi này với 4.476 lãnh đạo ấp, hòa giải viên dự; có 143 người nghèo được tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng; 104 người nghèo được bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong 104 vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Sau các chuyến trợ giúp pháp lý về cơ sở, người dân đã biết về trợ giúp pháp lý, hiểu và nâng lên ý thức chấp hành pháp luật, góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Kiên Giang, cụ thể là “xóa đói, giảm nghèo về mặt pháp luật” cho người dân.
Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018, Chính phủ và các bộ, ngành đã có văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật này. Từ những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, UBND tỉnh Kiên Giang, Sở Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã ban hành nhiều văn bản triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý như kế hoạch, quyết định, công văn… đôn đốc việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan. Đặc biệt, chú trọng vào những điểm mới, tiến bộ, có lợi cho người được trợ giúp pháp lý, nhất là đối với là những đối tượng yếu thế trong xã hội như gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số…
|
Bài: Trần Thị Mỹ Hòa - nhóm PV
Ảnh: Vũ Mai Hương - Nhóm PV