HTML clipboard - Phụ huynh của hơn 50 học sinh Trường Thịnh Yên (P. Láng Thượng, Q. Đống Đa, Hà Nội) đang rất bất bình vì ngôi trường mầm non duy nhất của phường bị thu hồi để xây trạm y tế, trong khi phường này đã có trạm y tế. Hơn 51 học sinh đang đứng trước nguy cơ không biết đi về đâu khi chẳng còn lớp học.
 
Cô trò trường mầm non Thịnh Yên đang ngồi trên đống lửa khi ngày phải bàn giao trường đã đến gần mà chưa biết phải đi về đâu.

Phá trường, xây thêm trạm y tế

Theo phản ánh của phụ huynh của 51 trẻ mầm non đang theo học tại Trường mầm non Thịnh Yên - Láng Thượng thì họ đang hết sức bất bình vì một quyết định “trên trời rơi xuống” của UBND quận Đống Đa. Theo đó, ngôi trường mầm non duy nhất ở phường Láng Thượng ở vị trí “đất vàng” số 138 phố Chùa Láng sẽ bị xóa sổ để xây trạm y tế “đạt chuẩn quốc gia”.
 
Trường Thịnh Yên, ngôi trường mầm non duy nhất ở phường Láng Thượng nằm trên mảnh "đất vàng" số 138 Chùa Láng sắp bị xóa để "tạo điều kiện" cho dự án xây thêm trạm y tế. Ảnh: Duy Tuấn

Điều khiến những bậc làm cha làm mẹ khó hiểu hơn là việc phường Láng Thượng đã có trụ sở Trạm y tế khang trang và đi vào hoạt động tốt, không hiểu vì sao nay lại thu hồi đất trường học để xây dựng thêm trạm y tế mới. Trong lúc đó thì dự án xây trường mầm non của phường Láng Thượng vẫn đang nằm trên giấy.

Theo công văn “đốc thúc“ số 15 ngày 19/4 về việc “sắp xếp, di chuyển lớp học trường mầm non Thịnh Yên - Láng Thượng” của Ban quản lý dự án quận Đống Đa thì hạn cho cô trò trường mầm non này phải sắp xếp mọi việc để bàn giao mặt bằng cho dự án để triển khai xây dựng trạm y tế là trong tháng 5.

Ông Nguyễn Thung, cán bộ hưu trí phường Láng Thượng đang có cháu theo học tại trường Thịnh Yên bức xúc nói: Ngôi trường này đã có từ đầu những năm 80, con tôi rồi đến đời cháu của tôi cũng theo học ở đây. Trường đã mục nát, hư hỏng mấy năm nay nhưng vì là ngôi trường duy nhất nên các cháu chẳng còn nơi nào khác. Không sửa chữa, nâng cấp cho các cháu thì thôi, nay lại thu hồi, đẩy các cháu ra khỏi trường.
 
Phường Láng Thượng đã có trạm y tế, cách chỗ các cháu mầm non học không xa. Lý do của việc phá bỏ trường mầm non là để xây thêm "Trạm y tế đạt chuẩn QG"?! Ảnh: Duy Tuấn

Trước sự việc trên, ngày 29/4, toàn thể phụ huynh học sinh đã có cuộc họp để lấy ý kiến. Thành phần tham dự còn có bà Phạm Thị Dung, Phó phòng GD&ĐT Q. Đống Đa. Trong cuộc họp này, toàn thể phụ huynh đều thống nhất việc phá trường xây thêm trạm y tế là không hợp lý, vì đây là trường học duy nhất của các cháu.

51 cháu mầm non sẽ đi về đâu?

Theo như sự “sắp xếp” của Phòng GD&ĐT quận Đống Đa, thì hơn 50 học sinh Trường Thịnh Yên sẽ được chia đôi, bố trí đến học tại hai trường mầm non khác là trường Hoa Hồng và trường Tuổi Hoa ở phường khác.

Anh Nguyễn Sỹ Cường, một phụ huynh học sinh cho biết: Chúng tôi cũng chỉ mới nghe nói là các cháu sẽ được “sơ tán” qua trường khác để nhường đất cho dự án. Thực tế, đến nay chúng tôi cũng không có thông tin gì về các cháu khi sang học bên đó sẽ như thế nào.

Một mối lo ngại của đa số phụ huynh là việc khi các cháu đi học trái tuyến sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong việc đưa đón các cháu, học phí cao, trong khi đa số phụ huynh là dân lao động.
 
Những "tương lai đất nước" đang theo học tại đây chưa biết đi về đâu. Theo "sắp xếp" của những người có trách nhiệm thì những cháu nào bố mẹ có hộ khẩu HN thì sẽ tách làm hai chuyển sang "học ké" ở các trường khác. Còn những cháu bố mẹ không có hộ khẩu thì tự tìm lấy, dù đã theo học nhiều năm - Ảnh: Duy Tuấn

Khi nghe thông tin con mình sắp phải chuyển sang học ở địa điểm mới, chị Phạm Thị Bích Ngọc, công nhân Vườn thú Hà Nội đã phát khóc khi nghĩ đến những khó khăn mà mình sẽ gặp phải. Chồng mất sớm, lương công nhân của chị chẳng đủ nuôi con. Chị đã hoảng hốt khi nghĩ tới số tiền 1,5- 2 triệu/ tháng tiền học phí phải đóng khi chuyển sang trường điểm, trong khi đó theo học ở đây mỗi tháng chị chỉ phải đóng 450 nghìn cho con.

Theo thông tin từ các phụ huynh thì phường Láng Thượng là một trong 4 phường ở quận Đống Đa trắng trường mầm non. Năm 2010 thành phố Hà Nội đã đống ý cho xây dựng trường mầm non và đã có đất. Tuy nhiên, theo như bà Dung, Phó phòng GD&ĐT thì do đang còn “chuyển đổi hình thức sử dụng đất” nên chậm nhất phải 6 tháng cuối năm 2011 sẽ tiến hành xây dựng trường.

Ông Nguyễn Thung, ông nội cháu Nguyễn Tiến Đạt tiếp tục cho ý kiến: Chúng tôi cũng nghe nói đến dự án xây dựng trường mầm non cho các cháu từ lâu nhưng mãi chẳng thấy đâu. Trường mới chưa xây thì nay trường đang học bị phá. Tại sao các dự án khác thì thủ tục giải quyết rất nhanh chóng mà việc xây dựng trường cho những “tương lai của đất nước” lại chậm đến như vậy.

“Tôi từng nói với đồng chí phó chủ tịch phường Láng Thượng: Chị nhìn các cháu học trong lớp học rách nát thế này có cảm thấy xẩu hổ không? Toàn thể phụ huynh chúng tôi đề nghị các cấp xem xét thấu đáo, xây trường mới cho các cháu rồi lấy đất làm gì thì làm. Không thì con cháu chúng tôi ra đường mà học à?”, ông Thung tiếp tục bức xúc.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc trên.

Duy Tuấn