- Hàng chục câu hỏi được ĐBQH đặt ra cho Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên chất vấn chiều 10/6. Riêng chất vấn của ĐB Lê Thị Nga về điều hành xăng dầu, điện làm cả Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đứng lên.

Sau nhiều lần lên tiếng trước QH phản ánh của cử tri về thực trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi về những dấu hiệu lợi ích nhóm trong quản lý thị trường, điều hành kinh doanh xăng dầu, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Bộ trưởng Công thương và Tài chính nhiều lần đã trả lời và quy nhiều lỗi cho nghị định 84, từ năm 2011 đến nay nhiều lần hứa là sớm sửa đổi nghị định này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

"Tôi cũng đã kiên nhẫn chờ đợi lời hứa này nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả... Cách sửa nghị định này cũng rất là khó hiểu, cứ mấy tháng đưa ra bàn thảo một lần xong là để đấy. Còn có một đề xuất là chuyển quyền điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công thương làm nặng nề thêm tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của Bộ Công thương", bà nói.

Câu hỏi ĐB Lê Thị Nga đặt ra cho Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công thương là trách nhiệm của mình trong việc chưa thực hiện đúng lời hứa trước QH và cử tri về việc tiến độ sửa đổi nghị định 84.

1-2 tháng nữa có nghị định

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Tài chính cho hay, một năm trở lại đây, điều hành xăng dầu cơ bản theo thị trường, thường xuyên, qua đó không còn "giật cục", gây cú sốc giá cả, tránh tác động kinh tế vĩ mô, lạm phát.

XEM CLIP:

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề cập vai trò của Quỹ bình ổn giá đã hoạt động, điều tiết ổn định, bình ổn giá như một cái van. Về bản chất, người tiêu dùng trả đủ theo giá trị trường nhưng để tránh cú sốc cho nền kinh tế, cú sốc cho lạm phát, các bộ ngành đã dùng tốt "van" này. 

Nhưng để đẩy mạnh hơn theo lộ trình điều hành giá trị trường thì sửa nghị định 84 là cần thiết. Bộ trưởng cho biết, bản chỉnh sửa lần cuối nghị định sẽ sớm được ban hành trong 1, 2 tháng tới sau khi lần ý kiến lần cuối các thành viên Chính phủ.

Một vấn đề ông lưu ý về tác động của nghị định sau sửa đổi đó là rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở, càng ngắn càng sát thị trường. "Ngày xưa tính 30 ngày, giờ chúng tôi đề xuất 15 ngày. Giữa hai lần tăng giá ngày xưa là 15 ngày giờ 10 ngày, càng ngắn càng sát giá thị trường" - Bộ trưởng nói.

Ông cũng cho rằng, vừa qua điều hành vẫn chưa mạnh dạn, còn rụt rè. Cần mạnh dạn để tiến tới việc điều hành giá xăng dầu hàng ngày.

Về chuyển vai trò điều hành giá xăng dầu thường trực sang Bộ Công thương, Bộ trưởng cũng cho hay, việc này là bình thường và vẫn đảm bảo minh bạch. 

Một trong điểm tích cực mà Bộ trưởng nêu, đó là qua điều hành vừa qua, đã xuất hiện yếu tố cạnh tranh thị trường xăng dầu, có những đợt gần như không có DN nào theo giá tối đa, mà đều đưa ra giá thấp hơn, không cùng mặt bằng. Yếu tố cạnh tranh sẽ giúp người tiêu dùng càng được hưởng lợi. 

Bộ trưởng Công thương: Tôi nhận trách nhiệm

Được đề nghị tham gia trả lời, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm của Bộ về chậm ban hành nghị định 84 sửa đổi và hứa sẽ sớm ban hành nghị định mới.

XEM CLIP:

Ông cũng nhấn mạnh cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu bám sát tín hiệu thị trường, tạo thuận lợi cho quá trình cạnh tranh trong kinh doanh, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Do đó, nghị định sửa đổi sắp tới phải khắc phục bất cập.

Cụ thể, điều hành xăng dầu bám sát hơn diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, tần suất điều chỉnh ngắn hơn, cơ sở tính giá rõ hơn. Tạo thêm điều kiện kinh doanh xăng dầu cạnh tranh hơn, thêm đầu mối, tránh độc quyền, có sự quản lý của nhà nước.

"Giờ mới có các tổng đại lý, đại lý bán lẻ là chưa đủ cạnh tranh, cần mạng lưới để cả người dân tham gia kinh doanh, tính đến việc mua đứt bán đoạn đối với các thương nhân có điều kiện" - Bộ trưởng nói.

Liên quan chuyển điều hành giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công thương, ông Vũ Huy Hoàng cho hay: "Bản thân chúng tôi không muốn và vẫn đề xuất để Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công thương phối hợp như hiện hành. Bộ Tài chính hiện nay cũng không quyết định giá, chỉ là tổ trưởng tổ liên ngành tài chính-công thương. Nếu Bộ Công thương không đồng ý, Bộ Tài chính vẫn phải báo cáo Chính phủ. Giờ có đổi vai thì cũng vậy vì là cơ chế liên ngành. Nhưng Bộ Công thương chấp hành, Chính phủ giao chủ trì thì sẽ phối hợp với Bộ Tài chính".

Về minh bạch hóa xăng dầu, Bộ trưởng cho hay đã liên tục yêu cầu DN xăng dầu công khai minh bạch, không chỉ giá mà cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí tiền lương cán bộ công chức.

Tiếp tục bấm nút sau câu trả lời của 2 Bộ trưởng, ĐB Lê Thị Nga cho rằng, việc chuyển hoàn toàn quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Công thương là cơ quan chủ quản của Petrolimex, cơ quan quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường. Nay lại "toàn quyền" điều hành giá thì sẽ có xung đột về quyền và trách nhiệm, khó đảm bảo khách quan.

"Nghị định 84 có thể thông cảm vì khó và nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng cẩn trọng thì cũng phải có thời hạn. 3 năm mà chưa sửa được thì không đáp ứng yêu cầu điều hành" - Bà nói.

Giải trình phản ánh của VietNamNet

ĐB Lê Thị Nga nhắc lại thực trạng yếu kém trong quản lý tạm nhập tái xuất xăng dầu mà bà nêu từ kỳ họp thứ 4. Bà cho rằng, thực tế đã không kiểm soát được đường đi của xăng dầu để DN trộn lẫn không bóc tách được loại tái xuất với loại bán nội địa, cho tạm nhập rồi quên kiểm tra tái xuất để cho DN lũng loạn thị trường gây thất thu thuế. Con số ĐB nêu từ 2009-2012, DN đã quên tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu.

"Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Tài chính và Công thương cho biết trách nhiệm 2 Bộ trong việc để xảy ra tình trạng trên. Tại kỳ họp đó, tôi cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần triệt để chống thất thu ở khâu này để bù vào giá xăng dầu, giảm gánh nặng cho dân. Thời gian qua Bộ Tài chính đã làm gì để thực hiện kiến nghị này?" - ĐB Nga hỏi.

Đánh giá xăng dầu là "mặt trận nóng bỏng", Bộ trưởng Tài chính trả lời và báo cáo luôn việc tại sao lại truy thu việc tạm nhập tái xuất của DN đầu mối năm 2012 như phản ánh của VietNamNet. Nhấn mạnh việc tập trung tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, Bộ trưởng cho hay đã chỉ đạo cơ quan hải quan, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để giải quyết.

Theo đó, cơ quan hải quan đã lập ra chuyên án, bắt và khởi tố và chuyển cơ quan chức năng điều tra tiếp tục 3 chuyên án về xăng dầu, 2 vụ án trên vùng biển Nam Định và Thanh Hóa và một vụ trên tuyến đường bộ Cao Bằng (công ty một thành viên hàng không Việt Nam VINAPCO). Kết quả đã bắt giữ 3.500 tấn xăng dầu, giá trị vi phạm khoảng 70 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố gửi cơ quan công an cả 3 vụ và riêng cơ quan công an đã khởi tố 18 vụ 18 bị can và trong vụ bắt ở vùng biển Thanh Hóa và Nam Định.

"Chúng tôi cũng kiến nghị QH sửa đổi luật quản lý thuế. Với hàng tạm nhập tái xuất nói chung và đối với mặt hàng tạm nhập tái xuất xăng dầu nói riêng thì phải nộp thuế trước khi làm thủ tục tạm nhập, trường hợp chưa nộp thuế thì phải có bảo lãnh thì mới cho tạm nhập" - Bộ trưởng phát biểu.

L.Thư - T.Lâm - T.Chung - Đ.Yên - H.Nhì - Nguồn clip: VTV