- Tuần lễ du lịch văn hóa Mường Lò – Mù Cang Chải 12/9 tới đây chỉ còn tính bằng ngày. Múa xòe của người Thái Mường Lò – Nghĩa Lộ sẽ được trao tặng quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của Bộ VHTTDL- nghĩa là nó sẽ được nhà nước bảo tồn, phát triển, là tài sản Quốc gia chứ không chỉ là văn hóa bản sắc của một vùng miền riêng biệt.

“Tín hiệu” tốt lành ấy đang rạo rực khắp các bản làng của Mường Lò trù phú…

Đêm trước Di sản

Xòe đối với đồng bào dân tộc Thái Mường Lò (Nghĩa Lộ) cũng giống như miếng trầu, quả cau của người Kinh vùng đồng bằng: không chỉ là văn hóa, tập tục, nó còn là bản sắc, là lối sống, thói quen, và hơn hết, nó là một nhu cầu sống.

{keywords}
Lường Minh, cô con dâu của Phó Bí thư xã Nghĩa An Hoàng Thị Phượng, cũng là một diễn viên chủ lực trong đội xòe của Thị xã Nghĩa Lộ.

Chị Điêu Thị Xiêng, bản Đêu 1, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) – nghệ sỹ dân gian duy nhất ở Mường Lò, có “tước hiệu” được Sở VHTDTT tỉnh Yên Bái phong tặng tính đến thời điểm hiện tại. Nhưng, khi nói về xòe, chị gạt bỏ hết cả những “tước hiệu” ấy, bỏ cả chức danh chủ tịch Hội phụ nữ xã Nghĩa An, mà thuần túy trở về đúng nghĩa của một “nàng Phùa”, một phụ nữ Thái đã sống với xòe gần trọn vẹn số tuổi mà chị có trên đời.

Theo chị Xiêng: xòe đối với người Thái là món ăn tinh thần không thể thiếu. Nhà có đám hỏi, đám cưới, đám mừng nhà mới, con vào đại học, buổi liên hoan trai bản đi nghĩa vụ quân sự, đám mừng cơm mới, những đêm hội mùa xuân…, thế là cùng xòe. Xòe không hạn chế số người, không kể thân sơ, không kể giỏi xòe hay không khéo xòe… Vòng tròn xòe mở ra, mở ra nữa, chừng nào không còn sức thì mới nghỉ. Xòe, nhất là xòe của người Thái Mường Lò, không bao giờ phụ thuộc vào địa điểm, địa hình, không bao giờ lệ thuộc vào sân khấu…

5 tuổi, khi đã bắt đầu biết nhận thức, được theo mẹ đi đến các đám cưới hỏi trong bản, những sự kiện quan trọng của gia đình, người thân…, cô bé Xiêng tự “ngấm” xòe vào trong người lúc nào không biết. Cùng với các điệu xòe là những làn điệu.

Rồi, Xiêng trở thành họa mi của bản, là người hát hay, xòe khéo, biết và thuộc nhiều điệu múa xòe, làn điệu xòe. Chị trở thành “hạt nhân” của các đám xòe, từ thời thiếu nữ cho tới khi làm vợ, làm mẹ, làm bà nội bà ngoại, tham gia công tác chính quyền, làm chủ tịch hội phụ nữ xã.

Có thể, đó là điều may mắn cho chị Xiêng, hay là may mắn cho xòe Thái Mường Lò?

{keywords}
Nhà sàn của ông Chu văn Dậu, bản Đêu, xã Nghĩa An - một trong 10 hộ dân làm du lịch bản làng.

Trong rất “nhiều vai” ấy, người phụ nữ Thái Mường Lò Điêu Thị Xiêng đã trở thành một trong số ít những người lưu giữ, truyền dạy xòe cho các thế hệ kế tiếp.

Cả Mường Lò hiện có 48 đội xòe hạt nhân. Các bản làng, thôn xã đều có các đội xòe, với số lượng trên dưới 10 người/đội thuộc sáu lứa tuổi: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi. Bảy xã, phường của thị xã đều có đội văn nghệ, trong đó việc biểu diễn và truyền dạy 6 điệu xòe cổ được coi là mũi nhọn.

Xòe được “phổ cập” từ lớp mẫu giáo, nghĩa là các giáo viên mầm non, trong chương trình dạy múa hát cho các cháu, sẽ có cả dạy xòe trong giáo án. Nhiều trường học trong thị xã, có màn biểu diễn múa xòe của giáo viên, học sinh trong các buổi lễ chào cờ, các sự kiện quan trọng của nhà trường.

Cũng như thời điểm đầu tháng 9 khi tôi lên Nghĩa Lộ, cả Mường Lò đang rạo rực chuẩn bị màn đại xòe cho ngày lễ vinh danh xòe trở thành Di sản phi vật thể. 1.500 nghệ sỹ - diễn viên sẽ tham gia biểu diễn xòe Thái Mường Lò.

Các chị, các mế, các em, các cháu…, ngày ngày vẫn đến trường, vẫn đến cơ quan, công sở, vẫn ra đồng, lên nương… lao động sản xuất. Nhưng đêm về, lại những con người ấy “lột xác” thành những nghệ sỹ chuẩn bị cho màn đại xòe.

{keywords}
Những "hạt nhân" của di sản văn hóa phi vật thể Xòe Thái mường Lò. Ảnh: Thái Sinh.

Không có những câu chuyện thân phận ai oán từ chế độ trước mà nhiều đồng nghiệp thường lục tìm lại ký ức khi lên với đất xòe, về những quan lang tù trưởng bắt trai tài, gái đẹp trong bản xòe đến kiệt sức phục vụ những đêm ăn chơi thác loạn của kẻ có quyền…

Một không khí chộn rộn có phần mải miết để chuẩn bị cho xòe Nghĩa Lộ trước đêm di sản đang hong ấm cả thung lũng Mường Lò.

Văn hóa thành mũi nhọn

Năm 2013, Nghĩa Lộ là một trong bốn huyện thị đầu tiên của cả nước nằm trong đề án “Xây dựng thị xã văn hóa, du lịch”. Một hướng đi mới đầy thử thách, nhưng cũng đầy sự háo hức, mong chờ để tạo “cú hích” cho vùng miền Tây Yên Bái tưởng như ngủ quên trong một thời gian dài.

Cùng với những “mũi nhọn” mà Nghĩa Lộ đưa ra làm phương hướng, có cả… múa xòe của người Thái Mường Lò.

{keywords}
Đội xòe Mường Lò. Ảnh: Thái Sinh.

Nói như thế để thấy được rằng, xòe Thái được phong Di sản, không chỉ là một sự tất yếu, mà đó là cả một quá trình có sự chủ động của Yên Bái, của Nghĩa Lộ. Xòe không chỉ là giá trị tinh thần, mà còn là thứ mang lại những giá trị sống, phục vụ trở lại chính cái nôi đã nuôi dưỡng, bảo tồn nó.

Nghĩa An, Nghĩa Sơn là hai “mô hình điểm” được Nghĩa Lộ “thử nghiệm” trong hai năm qua. Sau khi màn đại xòe với 2.013 diễn viên tham gia trong sự kiện “Tuần lễ Văn hóa du lịch Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải năm 2013” để ghi danh Kỷ lục Việt Nam; ruộng bậc thang Mù Cang Chải đón nhận Danh thắng, có thể coi hai “thử nghiệm” này của Nghĩa Lộ cũng là sự chuẩn bị cho Xòe Mường Lò trở thành di sản.

Nghĩa An hiện có 10 hộ kinh doanh mô hình điểm để phát triển du lịch trải nghiệm cho du khách đến với Mường Lò. Khách sẽ “ba cùng” để hiểu được cuộc sống của người Thái đen: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Các hộ tham gia, ngoài các tiêu chí để được lựa chọn (gia đình văn hóa, biết/nắm giữ được những nét văn hóa bản địa…) sẽ được thị xã tập huấn, hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng, cải tạo không gian sống, để làm sao khách du lịch háo hức muốn dừng chân ở lại…

Chị Điêu Thị Xiêng - chủ tịch hội phụ nữ; chị Hoàng Thị Phượng – Phó bí thư, chủ tịch HĐND xã Nghĩa An… là hai trong số 10 gia đình tiêu biểu của Nghĩa An tiên phong triển khai mô hình kinh doanh du lịch tại nhà.

Một công ty du lịch lữ hành đã liên kết với các hộ gia đình ở Nghĩa An để hàng tuần đưa khách xuống.

Hỏi: làm du lịch có khó không?, chị Xiêng cười thật thà: “Không khó mà. Họ (khách du lịch – PV) xuống thì nhà thêm vui, vì họ cũng như khách đến thăm nhà thôi, ở lại ngủ chơi với gia đình. Ăn uống giống như thêm mâm thêm bát”.

Nhưng, một điều mà chị Xiêng lo lắng rất thành thực: ở bản mình, các hộ gia đình vẫn còn làm nông nghiệp, vẫn phải nuôi trâu bò để lấy sức kéo. Buổi sáng đánh con trâu ra đồng, buổi chiều đưa nó về chuồng, nó bậy đầy ra đường, nhiều quá dọn không xuể. Như thế, làm du lịch là khó rồi”.

Bản của chị Xiêng, hiện còn nhiều nhà giữ khung cửi dệt thổ cẩm thủ công, nhiều gia đình lưu giữ các nhạc cụ dân gian…, thị xã Nghĩa Lộ đã định hướng xây dựng khu vực làng nghề, tập trung các khung dệt ra khu vực này để khách có thể tự tay “thực hành” làm những đồ lưu niệm bằng thổ cẩm cho mình.

Bản của chị Phượng được định hướng phát triển theo hướng homestay (ba cùng). Chị Phượng đã quy hoạch lại căn nhà sàn của gia đình, dựng thêm một ngôi nhà sàn mới, đầu tư hệ thống wifi để phục vụ du khách. Cô con dâu của chị, Lường Minh, cũng là một diễn viên chủ lực của đội xòe Thị xã, đảm nhiệm việc đón khách.

Đoàn khách nào có nhu cầu, đội văn nghệ của thôn, bản sẽ xòe biểu diễn.

Cách nhà chị Phượng một con dốc, ông Chu Văn Dậu (75 tuổi) đang chuẩn bị cất một ngôi nhà sàn mới. Các con của ông Dậu đều ra ở riêng, chỉ có hai ông bà ở nhà làm du lịch.

“Khách Tây đến ở nhà ông bà, họ thích lắm. Họ muốn mình giữ nguyên sân đất, đường đất, không muốn mình xây gạch hay đổ bê-tông. Họ muốn mình có cái ao cá như ông cha trước nhà, để từ bậu cửa nhà sàn có thể nhìn ngắm đàn vịt bơi ở ao, hay có thể tự tay câu cá… Nấu ăn, họ cùng vào bếp với mình, muốn mình ăn cơm, nói chuyện cùng họ, kể về cuộc sống người Thái Mường Lò cho họ nghe” – ông Dậu kể chuyện.

Hoang sơ, người Thái Mường Lò chập chững “làm kinh tế” từ văn hóa bản địa, văn hóa của cha ông để lại, nhưng đầy hồn hậu như thế! Đó cũng là nỗ lực của Yên Bái để khơi nguồn phát triển cho vùng đất trầm tích bề dày văn hóa Mường Lò.

Kiên Trung

Bài tiếp: "Người gác cửa" di sản