Xóm đảo nằm chơi vơi giữa cửa biển thuộc ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Từ trung tâm xã, để ra được xóm đảo này, phải đi một đoạn đường bê tông nhỏ, ngoằn ngoèo gần 10 km, rồi đi vỏ máy mới đến được. Nơi này nằm tách biệt với phần đất liền của xã Nguyễn Việt Khái. |
Đến xóm đảo, những người phụ nữ của xóm vẫn luôn miệng nhắc đến biến cố thiên tai đầu tháng 8/2019. Đó là lúc triều cường, sóng lớn gần như xóa sổ hoàn toàn nhiều căn nhà tại đây. Khi thiên tai qua đi, người dân cất dựng lại nhà cửa, tốn chi phí hàng chục triệu đồng/căn nhà. Đây là số tiền lớn đối với những người nghèo của xóm. |
Ông Tư "cụt" là cư dân của xóm đảo đã hơn 30 năm nay. Công việc hàng ngày của ông là phụ giúp các con làm nghề giăng câu cá ngát ở vùng biển gần bờ. Ông nói căn nhà của ông đã nhiều lần sửa chữa, mọi thứ nhếch nhác, thường xuyên hư hỏng vì triều cường, sóng lớn. |
22 hộ dân của xóm đều làm nghề lưới cá trên biển. Đa phần họ thuộc diện nghèo và cận nghèo của xã. Trong xóm, có khoảng 10 chiếc ghe nhỏ của ngư dân hoạt động khai thác hải sản gần bờ. Số hộ còn lại làm thuê cho những chủ ghe. Nếu chỉ làm nghề biển, người làm thuê có thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 100.000 đồng. Những ngày sóng lớn, họ hoàn toàn không có thu nhập vì không thể ra biển đánh bắt. Cuộc sống của họ vì thế rất bấp bênh. Nhiều gia đinh lao đao vì thi thoảng hết gạo ăn, bệnh tật không có tiền chạy chữa. |
Anh Lê Văn Âu là cư dân của xóm đảo đã hơn 20 năm nay. Anh làm thuê cho một gia đình có ghe lưới ở xóm đảo. Trở về sau chuyến biển kéo dài 10 ngày, số tiền công anh nhận được là 1,1 triệu đồng. Tính bình quân mỗi ngày anh chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng, không tương xứng với công sức bỏ ra. Anh cho biết khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn lợi hải sản ven biển cạn kiệt khiến những người làm nghề như anh không có thu nhập ổn định, cuộc sống thiếu trước hụt sau. |
Cha mẹ bận đi làm biển, lại ngăn sông, cách đò, nhiều trẻ em xóm đảo bị mù chữ hoàn toàn hoặc bỏ học giữa chừng. Trẻ em ở đây khoảng 13-14 tuổi thường có xu hướng cùng bỏ học để theo cha mẹ ra khơi. |
Em Nguyễn Văn Bảo (9 tuổi) ở nhà một mình vì cha mẹ em bận đi làm biển cả ngày. Em nói lúc đầu ở một mình rất buồn vì nhớ cha mẹ. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã đã khác vì thành quen. Em không còn boăn khoăn chuyện cha mẹ đi làm hay ở nhà và thường ăn cơm nhờ từ một vài người thân quen trong xóm. Dù 9 tuổi, nhưng em chỉ mới vào học lớp 1 vì cha mẹ bận việc. Hàng ngày, em phải tự đi học bằng đò. |
Những căn nhà của xóm đảo được nối với nhau bằng những chiếc cầu khỉ làm bằng gỗ. Trẻ con nơi đây đi cầu rất thạo. Việc đi cầu khỉ của bọn trẻ bắt đầu từ khi chúng mới chập chững nên mọi thứ đã quá quen thuộc. Từ năm 2018 trở về trước, hàng chục căn nhà của người dân xóm đảo được kết nối với nhau chỉ bằng những chiếc cầu này. Năm 2018, xóm được chính quyền vận động xây một con lộ bê tông ngang khoảng 1.5 mét, dài 60 mét để người dân, đặc biệt là trẻ con di chuyển dễ dàng hơn. |
Trong xóm, có nhiều em hơn 10 tuổi không biết một chữ nào. Có em 13, 14 tuổi mới học lớp 2, lớp 3. Người dân quan tâm nhiều đến việc tránh cái đói trước khi nghĩ đến chuyện học hành của con cái. Nhiều người còn cho rằng con nhỏ đi học vừa mất thời gian đưa rước, vừa phải tốn thêm chi phí học tập. |
Một cậu bé vừa tắm dưới dòng nước biển, sau đó tắm lại nước ngọt chỉ với một ca nhựa duy nhất để tiết kiệm nước. Xóm chưa có nước sạch. Cả xóm có 5 hộ dân tự khoan giếng nước, nhưng hầu hết giếng nước đều có vị mặn, khó dùng. Nước sạch được mọi người dự trữ từ nước mưa và dùng thêm nước giếng. Nhiều người mong mỏi xóm đảo của họ được chính quyền quan tâm, kéo ống nước sạch về dùng. |
Khoảng 10 năm trước, xóm đảo là một cụm dân cư dài khoảng 300 mét, với trên 50 hộ. Qua thời gian, vì sạt lở nên nhiều người chuyển đi nơi khác sinh sống. Hiện, chính quyền địa phương tính toán việc di dời xóm đảo, bố trí tái định cư ở nơi khác an toàn hơn. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, việc này vẫn chưa thể thực hiện được. |
Trẻ con xóm đảo quây quần với nhau trong lúc cha mẹ vắng nhà. Không có nơi vui chơi, nhiều em không được đến trường, hoặc bỏ học. |
Lực sĩ bán huy chương, cứu cô bé hàng xóm gặp nạn
Trước khi trao chiếc huy chương vàng đấu giá được 125 triệu đồng, anh Công đeo vào cổ bé Hương như muốn nói: 'Cháu gắng lên nhé'.
Theo Zing