- Những ngày qua, người dân xã thuần nông Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội mất ăn mất ngủ vì lo lắng cho món tài sản mà mình cả đời chắt chiu, dành dụm có nguy cơ mất trắng…
Trái ngược với không khí
“nóng ran” trong dân cư là sự im lặng biến mất của “đại gia làng” đã ôm hàng
chục tỷ đồng, để lại vẻn vẹn mảnh giấy "bán nhà” mốc meo…
'Đại gia làng' vỡ nợ - cả làng có tiền!
Câu tổng kết “rớt nước mắt” trên là của ông Đinh Văn Năm, trú tại thôn Khê
Ngoại, xã Mê Linh - hàng xóm liền kề sát vách của vợ chồng “đại gia làng” Nguyễn
Văn Thắng, Nguyễn Thị Hải.
Ông Năm làm nghề giết lợn có thâm niên trên bốn chục năm, từ khoảng những năm 1980.
Tuy nhiên, không phải vì làm cái nghề giết mổ ấy mà ông không có tiền. Chắt chiu ngần ấy thời gian, ông đã tích cóp được ngót tỷ bạc để hùn hạp cho vợ chồng Thắng – Hải “vay nóng”, và cuối cùng lâm vào cảnh bi đát hiện nay…
Giấy vay nợ của “đại gia làng” Thắng - Hải. |
Xã Văn Khê, huyện Mê Linh
là xã thuần nông nằm ven đê con sông Hồng, liền kề với xã Tráng Việt. Mấy năm
gần đây, người dân Văn Khê trồng thêm hoa hồng để tăng thu nhập, bên cạnh việc
thâm canh nông nghiệp. Ngoài ra, nghề phụ duy nhất của làng là đi bốc vác cho
các chủ buôn bán vật liệu xây dựng, gạch đá cát sỏi…
Vì thực trạng phát triển kinh tế như trên, nói đến “tiền triệu” ở Văn Khê đã
hiếm, thế mà bỗng dưng “nảy nòi” ra cặp vợ chồng 'đại gia làng' tiêu tiền tỷ dễ
như bỡn.
Văn Khê có hai làng: làng Văn và làng Khê. Đến đầu làng Văn, hỏi chuyện “Thắng –
Hải”, một chủ tiệm cắt tóc – gội đầu ở chân đê cũng chỉ tường tận: anh đi chừng
hơn một cây số nữa, gặp khu phố mới đông đúc, thấy cái “siêu thị Thắng Hải” to
nhất phố, là nó!
|
Ông Đinh Văn Năm - người hơn 40 năm làm nghề giết mổ và là chủ nợ của Thắng - Hải với món tiền hơn 600 triệu đồng và những người dân cùng chung hoàn cảnh tại xã Văn Khê. |
Đến nơi, “siêu thị” hoành tráng kể trên đóng cửa im ỉm, chỉ có ba, bốn mảnh giấy rao “bán nhà” mốc meo từ trong tết.
Hỏi chuyện, người dân cho hay:
chuyện Thắng – Hải vỡ nợ bung ra từ trước tết. Vợ chồng nó đã “cao chạy xa bay”
ba, bốn tháng nay rồi…
Gọi là “phố” nhưng khu vực sầm uất nhất của xã thuần nông này có chừng vài trăm
nóc nhà cao tầng nổi bật, trong đó khu nhà “Hải – Thắng” hoành tráng và bề thế
nhất, gồm ba khu nhà cao tầng sơn màu nổi bật, thông với nhau thành một khu liền
kề, rộng cả ngàn m2.
Gần đó, chợ làng họp ngay chân
đê, vẫn không mất đi cảnh một chợ phiên mua bán toàn hàng nông sản.
Chuyện vỡ nợ của vợ chồng Thắng – Hải chính thức xảy ra từ trước tết. Nó vỡ lở
từ một người dân trong làng, cho vợ chồng Thắng – Hải vay nóng vài triệu đồng.
Gần đến tết, người này ra gặp vợ chồng Hải lấy tiền về tiêu tết thì bị khất.
Dăm lần bảy lượt đòi không được,
người này mới “sáng kiến” lấy hàng để trừ nợ (vợ chồng Thắng – Hải đầu tư mở
siêu thị bán hàng). Ai dè, cả làng cùng kéo đến. Trong vòng chưa đầy một tuần,
hàng hóa của siêu thị Thắng – Hải bị bắt nợ hết veo, cùng với việc vợ chồng 'đại
gia làng' nhanh tay tẩu tán hết những món hàng đắt tiền như tivi, tủ lạnh… sang
cho một người khác (là người thân của mình).
Siêu thị “cháy” hàng nên đóng cửa luôn từ độ ấy. Giấy bán dán xung quanh cả ba
khu nhà. Dân Văn Khê mới ngã ngửa, Thắng – Hải đi vay nợ cả làng, với số tiền
lên tới ngót 30 tỷ đồng – một con số khủng khiếp mà trong mơ họ cũng không nghĩ
đến!
Gom từ tiền lẻ đến tiền tỷ!
Qua ủy ban xã Văn Khê, đích thân trưởng công an xã Lê Viết Hồng khẳng định: mới
là tin đồn, và số tiền vỡ nợ chỉ dăm ba tỷ thôi… Thêm lời của phó chủ tịch xã
Nguyễn Văn Như: “dân cho vay nặng lãi, có cạy răng cũng không dám nhận là mình
cho vay đâu…”.
Đang lúc gần như bỏ cuộc thì một nhóm người dân tìm đến. Đầu tiên, họ e dè: “Anh
là cán bộ ngân hàng, đến thẩm định tài sản nhà Thắng – Hải hả?”. Khi biết phóng
viên, nhà báo, chưa đầy nửa giờ đồng hồ, cả chục người dân đều tìm đến, kèm theo
“đơn tố cáo, kiến nghị, đòi nợ”… và những câu chuyện họ cho vay nợ cả bạc tỷ mà
hào phóng giống y như người ta cho nhau một… cái tăm xỉa răng.
Giấy bán nhà được treo dán nhiều tháng qua tại “siêu thị Thắng - Hải” |
Đầu tiên là chuyện của anh Nguyễn Anh Quân, sinh năm 1975 tại thôn Khê Ngoại. Quân là bạn học cùng lớp với “đại gia làng” Nguyễn Văn Thắng, chồng của Nguyễn Thị Hải.
Anh Quân cay đắng: “Tin bạn mà
mất tiền. Tôi cho nó vay tổng cộng 670 triệu chia làm 5 lần, mới trả lãi cho tôi
được hai tháng thì nó khất nợ, rồi cao chạy xa bay… Học với nó từ bé nên tôi
không lạ gì tính nó. Nhưng, cay đắng nhất là nó ăn chơi trác táng trên tiền mồ
hôi nước mắt của hàng trăm người dân trong làng…”.
Món tiền già nửa tỷ là số tiền vợ chồng anh Quân dành dụm để xây nhà. Thế nhưng,
trong một lần bị vợ chồng Thắng – Hải dỗ ngon dỗ ngọt, vợ chồng Quân đã hào
phóng trong tích tắc.
Tiếp đến chuyện của ông Đinh Văn Năm, làm nghề giết lợn ngoài phố. Ông Năm cũng
cho vợ chồng Thắng – Hải vay hơn 600 triệu, số tiền vợ chồng ông tích cóp hơn 40
năm làm nghề giết lợn. Tính ra, để có món tiền ấy, số đầu lợn mà ông Năm mổ phải
lên tới hàng vạn con.
“Bà nhà tôi cứ cằn nhằn mãi. Vợ chồng đâm xung khắc, mất đoàn kết. Mà, cay đắng
nhất là tôi chưa nhận được một cắc tiền lãi. Giấy vay nợ thì vẫn cầm…” - ông
nói.
Ông Năm thành thật: trước tết, tôi đã ngồi trên cái xe hơi nhà nó (vợ chồng
Thắng – Hải sắm xe hơi chạy chơi), định bắt nợ. Nhưng nghĩ thế nào, thương hại
vợ chồng nó nên thôi. Sáng hôm sau có người nhanh tay bắt nợ chiếc xe, nghĩ lại
thì thấy tiếc….
Thêm chuyện của vợ chồng Nguyễn Anh Tuấn – Đinh Thị Lan Phương, em trai ruột của
anh Nguyễn Văn Quân. Vợ chồng Tuấn – Phương làm ăn ở ngoài thị xã Phúc Yên,
nhưng quê gốc ở xã Văn Khê.
Một lần về thăm quê, vợ chồng đại
gia làng Thắng – Hải tỷ tê, Tuấn – Phương đã bằng lòng “xuất” hơn 1 tỷ để nhận
mấy tờ giấy vay nợ, kèm theo mối lo ngay ngáy từ tết đến giờ…
Chuyện đau lòng nhất là chuyện bà Nguyễn Thị Tình, thôn Khê Ngoại. Bà Tình không
có chồng con, sống độc thân, làm nghề… gánh gạch thuê. Mấy chục năm ky cóp, bà
nông dân lao động chân tay bán mồ hôi nước mắt tích cóp được 70 triệu đồng. Thế
nhưng, bà Tình cũng là chủ nợ của vợ chồng Thắng – Hải. Và, bà Tình cũng “từ
thiện” cả số tài sản cả đời mình trong phút chốc.
“Gớm, hỏi ra thì cả làng ai cũng không có tiền. Thế nhưng nó vỡ nợ ra, hóa ra ai
cũng có. Bi kịch thế đấy!” - một người dân nói.
Vẫn những câu chuyện của ông Năm, anh Quân, chị Phương… “Đại gia làng” không từ
chối bất cứ một khoản nào, dù là nhỏ. Lớn thì đôi ba tỷ, nhỏ dăm ba triệu cũng
có. Hải, vợ Thắng cứ tỷ tê, ngọt nhạt với người ta: “Bác/chị cho em vay nóng dăm
ba ngày. Nhà em làm ăn lớn như thế, bác/ chị đừng nói với ai, xấu hổ lắm. Em chỉ
vay nóng của mỗi bác/chị thôi…”.
Có người làng đi làm gạch thuê được 7 triệu cho vợ chồng Thắng – Hải vay, đến kỳ
lấy lãi đầu tiên anh này gộp cả vào tiền gốc, để cho tròn chục triệu đồng “lấy
lãi cho nó tiện”.
Những món nợ “lặt vặt” như thế,
hóa ra cả làng ai ai cũng “dính” vợ chồng Thắng – Hải. Thế cho nên mới xảy ra
chuyện “cả làng đi hôi siêu thị” hồi trước tết…
“Nhưng, xót nhất là nó ăn chơi trác táng trên tiền của cả dân làng. Như thế là
không được” – chủ món nợ 670 triệu Nguyễn Văn Quân, thôn Khê Ngoại đay đi đay
lại…
Kiên Trung
Kỳ 2: Cuộc sống vương giả của “đại gia làng” vỡ nợ