Lấy chồng giàu là mơ ước của rất nhiều cô gái mong muốn có cuộc đời giàu sang, phú quý. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn sống trong sự đủ đầy, sung túc của cả vật chất lẫn tinh thần. Nhiều người dù sống trong nhung lụa vẫn phải ngậm ngùi, xót xa cho phận mình.

Lan cảm thấy rất may mắn khi lấy được Đức, một người đàn ông vừa đẹp trai, chỉn chu, đĩnh đạc vừa giàu có làm chồng. Với mức lương 3.000 đô hàng tháng của anh dư sức lo cho gia đình nên sau khi kết hôn, Đức đề nghị vợ ở nhà làm nội trợ và chăm con. Trước đây Lan là giáo viên mầm non với đồng lương ba cọc ba đồng mà công việc rất vất vả nên nghe lời chồng, cô đã xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc gia đình.

{keywords}
Lấy chồng giàu là ước mơ của nhiều cô gái mong muốn có cuộc đời giàu sang, phú quý. (Ảnh minh họa)

Nhưng cuộc sống của người phụ nữ trên nhung lụa không phải lúc nào cũng ngọt ngào và màu hồng như cô tưởng. Chồng Lan làm lương cao nhưng cô chưa bao giờ được cầm đồng lương của chồng hay biết trong tài khoản của anh có bao nhiêu tiền. Mỗi tháng Đức chỉ phát cho cô 2 triệu để chi tiêu cá nhân, còn những thứ khác từ việc đi chợ mua sắm, con cái, nhà cửa đều do anh quyết định.

Nhiều lần vì bức bí không có tiền tiêu, lại không muốn ngửa tay xin chồng sợ anh hoạnh họe: “Em ở nhà có làm gì đâu mà tiêu lắm thế?”, Lan đã đề nghị chồng cho đi làm lại nhưng anh không đồng ý. Đức bảo cô cứ ở nhà nghỉ ngơi chăm sóc con cái là được rồi. Đức cũng chẳng thích mua nhà vì bảo không thích ở một chỗ, anh thích di chuyển nhiều nơi mới không bị nhàm chán. Hiện tại vợ chồng Lan vẫn đang ở nhà thuê.

Dù mang tiếng lấy chồng giàu, một bước lên xe xuống ngựa nhưng thật ra Lan chẳng có tiền trong người. Mỗi lần Lan cần mua gì đều phải hỏi ý kiến chồng và đợi anh chở đi mua. Chồng Lan còn không cho cô chạy xe máy vì sợ tai nạn, cướp giật, nên nếu muốn đi đâu ngoài những lúc chồng đưa đón cô phải đi bằng taxi nên Lan rất ít ra ngoài một mình.

Cả quần áo mặc Lan cũng không thể tự mua một mình, lúc nào đi chung với chồng thì cô bảo anh ghé cửa hàng mua vội 1-2 cái cho nhanh. Vì Đức không thích chờ đợi vợ đứng chọn quần áo quá lâu, còn nếu đi một mình thì Lan lại không có tiền.

Nhiều lúc Lan cảm thấy tủi thân vô cùng vì mỗi lần về thăm bố mẹ ở quê cô không thể tự mua quà cáp để biếu bố mẹ, rồi những lúc nhà có việc cô cũng chẳng thể đỡ đần. Nên số tiền 2 triệu chồng đưa cô chẳng dám tiêu pha gì.

Chồng Lan cũng chẳng bao giờ cho phép cô mua những thứ hàng hiệu, đắt tiền. Vì vậy dù làm vợ “đại gia” nhưng cô chỉ dám dùng đồ chợ, hàng bình dân. Nhiều khi công ty chồng tổ chức sự kiện hoặc tổ chức du lịch, Lan đi theo tham gia thấy các bà vợ của đồng nghiệp chồng khoe mua những túi xách hay nữ trang trị giá mấy ngàn đô cô chỉ dám mỉm cười cho qua.

Từ chuyện lớn nhỏ trong nhà đến việc tự do đi lại đều bị chồng kiểm soát nên Lan vô cùng khó chịu và cảm thấy ngột ngạt. Nhiều lần cô đã nói với chồng về những bức xúc của mình nhưng Đức thường đem cô ra so sánh với các cô công nhân hay những phụ nữ phải buôn bán lam lũ ngoài đường, rồi bảo Lan được voi đòi tiên. Lan cũng chẳng biết nói gì, không biết có phải cô đang đòi hỏi quá nhiều hay không?

{keywords}
Lấy được chồng giàu, ai cũng bảo Minh "chuột sa chĩnh gạo". (Ảnh minh họa)

Câu chuyện của Minh lại khác. Gia đình chồng khá giả, ai cũng bảo cô “chuột sa chĩnh gạo”. Mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, Minh đã được bố mẹ chồng mua tặng cho một chiếc xe ga xịn để đi làm. Rồi bố mẹ chồng sang tên cho vợ chồng cô một căn hộ chung cư cao cấp ngay trung tâm khiến Minh sướng phát điên. Cô không ngờ mình lại hưởng phúc lớn của nhà chồng đến thế. Hai vợ chồng đi làm, lương cũng vào loại khá, lại chẳng phải lo sắm sanh nhà cửa, đồ dùng trong gia đình nên tha hồ tiêu xài rủng rỉnh.

Sinh con trai đầu lòng bụ bẫm, kháu khỉnh, ông bà nội lại càng phấn khởi, chu cấp cho cháu nội từng ly từng tý. Từ tiền sữa, bỉm cho bé, đến bồi dưỡng cho mẹ nuôi con và cả tiền thuê người giúp việc hàng tháng đều được bà nội "thanh toán" cho.

Nhưng mọi thứ không phải cứ trải hoa hồng như vậy. Nhiều khi ngẫm nghĩ, Minh cũng thấy tủi phận vô cùng: "Nhà chồng mình giàu nên quan cách lắm, bắt ne bắt nét đủ thứ. Mỗi lần mua biếu ông bà cái gì cũng phải nghĩ nát óc mới dám mua, thậm chí mua rồi vẫn còn sợ... ông bà chê. Lương vợ chồng mình cũng khá nhưng không dám tiêu hoang vì còn tiết kiệm lo cho con, nhưng đến thăm ông bà mà không mua biếu hoa quả "ngoại nhập" thì chỉ có nước bị vứt vào sọt rác. Ngày 8/3, 20/10, mình thật lòng trích lương mua tặng bà cái áo khá đắt tiền, thế mà mình chưa ra khỏi cửa, bà đã gọi chị giúp việc lên cho luôn làm mình điếng cả người".

Nhiều lúc đến chơi thăm cháu, mẹ chồng Minh còn tỏ ý chê con dâu vụng, đúng là đồ nhà quê, may mà lấy được con trai bà chứ không thì lấy đâu ra nhà mà ở. Rồi nhìn thấy đống rau rợ, gà qué ông bà ngoại cu con gửi ở quê lên cho cháu, bà làm ra vẻ khinh bỉ, coi thường những thứ vật chất không đáng tiền nhưng giàu tình nghĩa ấy khiến Minh cảm thấy tủi thân vô cùng, cứ như cô là cô con dâu vô dụng, chỉ biết ăn bám nhà chồng thôi không bằng. Nếu có than thở với chồng anh cũng bảo cô nhịn đi, nếu không có ông bà thì vợ chồng cô làm gì được như bây giờ. Nhiều lúc Minh cảm thấy lấy chồng giàu cũng không hẳn sung sướng như cô tưởng.

Hoa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Là cô gái tỉnh lẻ lên thành phố học tập và lập nghiệp. Dù không hi vọng đổi đời bằng việc lấy chồng giàu nhưng số phận đã run rủi cho cô gặp Thắng và lọt vào mắt xanh của anh. Thắng là con nhà giàu có trên phố cổ. Mối tình giữa cô gái miền sơn cước với anh chàng công tử thành phố đã bị mẹ Thắng tìm mọi cách ngăn cản. Nhưng tình yêu mãnh liệt của đôi bạn trẻ sau bao nhiêu kiên trì và cố gắng, họ đã đến được với nhau. Hôn lễ được tổ chức trang trọng và ấm cúng. Hoa tin rằng bằng sự thật tâm của mình, mẹ Thắng sẽ chấp nhận cô. Nhưng từ khi về làm dâu, dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, Hoa vẫn không được lòng bà. Nhà chồng Hoa giàu có nhưng khinh người, trong mắt mẹ chồng, cô làm gì bà cũng không bằng lòng.

Suốt ngày bà tìm cách soi mói, chì chiết và chỉ coi cô như người giúp việc trong nhà. Ngày nào cũng như ngày nào, Hoa cũng phải dậy sớm đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, lau dọn mấy tầng nhà rồi còn phải phụ giúp mẹ chồng làm hàng để bán. Mẹ chồng không hề mó tay giúp cô việc gì mà chỉ đứng chỉ đạo rồi chê này chê nọ.

{keywords}
Làm dâu nhà giàu nhưng Hoa phải làm việc quần quật từ sáng đến tối chẳng khác nào osin. (Ảnh minh họa)

Bà còn cấm không cho cô về quê. Lúc nào mẹ chồng cũng nói với cô, con gái đã lấy chồng thì phải theo thói phép nhà chồng, gánh vác giang sơn nhà chồng chứ không phải cứ nhăm nhăm về nhà mẹ đẻ. Hoa buồn khổ vô cùng. Chả nhẽ cô muốn về quê thăm bố mẹ mình cũng không được hay sao. Cô là thân gái đi lấy chồng xa, đã không chăm sóc, đỡ đần được gì cho bố mẹ thì tháng cũng phải về thăm bố mẹ được một lần. Đằng này, từ ngày lấy chồng, chắc cả năm Hoa về thăm nhà được 2-3 lần là cùng. Bố mẹ cô thương nhớ con gái nhưng cũng không dám lên thăm vì sợ nhà thông gia kiểu cách.

Rồi mỗi lần về quê, bố mẹ Hoa lại đùm dúm cho con gái nào gạo nước, hoa quả để mang lên làm quà. Nhưng Hoa mang gì ở nhà lên mẹ chồng cô cũng bảo không cần cô tha rác về nhà. Hoa quả, gạo Hoa mang lên mẹ chồng cô không nhận, bảo hôm nào về mang trả lại vì nhà này quen ăn gạo ngon rồi, thứ gạo nhà quê rẻ tiền ấy bà không thèm ăn, và tỏ thái độ khinh thường ra mặt.

Hoa tủi nhục vô cùng. Cô không chịu nổi khi bố mẹ mình bị xúc phạm như vậy. Những thứ quà quê đó thực sự không giá trị gì nhưng là tấm lòng của bố mẹ cô đối với gia đình thông gia. Nỡ lòng nào mẹ chồng cô lại khinh bỉ, hắt hủi như vậy. Lắm lúc Hoa cảm thấy ngộp thở, tưởng chừng không thể tiếp tục chịu đựng thêm được nữa. Ở trong căn nhà sang trọng thật đấy, lấy chồng giàu thật đấy nhưng cô sống quá nhục nhã, nghĩ phận mình chẳng bằng một người giúp việc. Cô cảm thấy chán nản, mệt mỏi, chỉ mong muốn được giải thoát. Nhưng liệu có cách nào không hay chỉ còn cách ly hôn?

Hoàng Anh (tổng hợp)