Tăng cường kết nối du lịch với địa phương trong vùng
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bến Tre, sau 5 năm triển khai Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển du lịch theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 22-CTr/TU, Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 3706/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và các quy định, hướng dẫn mới thực hiện Luật Du lịch 2017 được triển khai quán triệt, phổ biến kịp thời.
Ngành chức năng quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Chất lượng dịch vụ và thái độ giao tiếp, phục vụ khách được cải thiện theo hướng “ứng xử văn minh, thân thiện, trách nhiệm, tôn trọng khách hàng”, tạo ấn tượng tốt đối với du khách trong, ngoài nước. Đến nay, khoảng 80% lao động trong ngành Du lịch đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch.
Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch không ngừng được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, tạo thuận lợi cho việc giao thương thông thoáng giữa Bến Tre với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Đến nay, tỉnh có 4/5 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch hoàn thành đưa vào sử dụng, với tổng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng; 28 dự án án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh du lịch, tổng số vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng đã, đang và chuẩn bị triển khai.
Tỉnh có chính sách khuyến khích phát triển các dự án du lịch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đến Bến Tre tìm hiểu, đầu tư. Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Bến Tre với các tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng sức lan tỏa hình ảnh, con người Bến Tre đến cộng đồng dân cư trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch đến xứ Dừa ngày càng đông, nhất là khách quốc tế.
Tại buổi làm việc với địa phương mới đây, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bến Tre tăng cường kết nối du lịch với địa phương trong vùng ĐBSCL và Nam bộ.
Cụ thể, Tỉnh cần khai thác tối đa lợi thế của địa phương nhất là dịch vụ du lịch và các ngành có thế mạnh của Tỉnh, phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chú trọng đặc trưng miền sông nước, xứ dừa, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử; đẩy mạnh thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng, hình thành tuyến cụm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường kết nối du lịch với địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý nhà nước về du lịch
Năm ngoái, lượng khách tới Bến Tre đạt 1,28 triệu lượt, tăng 443% so cùng kỳ năm 2021, công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch đạt 80 - 90%. Trong đó, khách nội địa ước đạt gần 1,2 triệu lượt, tăng 405% so cùng kỳ, khách quốc tế ước đạt 89,4 nghìn lượt. Tổng thu từ du lịch đạt 1.446 tỷ đồng, tăng 498% so cùng kỳ năm 2021.
Du lịch khởi sắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở kinh doanh, từng bước hình thành nhiều loại hình, sản phẩm mang nét riêng có của vùng sông nước miệt vườn xứ Dừa Bến Tre.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW, Luật Du lịch 2017, các văn bản quản lý nhà nước có liên quan, Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2030.
Bến Tre vận động, khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nghiên cứu xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, nhất là sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm. Địa phương quan tâm khai thác giá trị từ cây dừa, phát triển các dòng sản phẩm thân thiện môi trường, từ nguồn nhiên liệu sẵn có hướng đến phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm nhằm tạo sự phong phú, đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch để phục vụ, thu hút khách trong và ngoài nước đến Bến Tre.
Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý nhà nước về du lịch và công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Đặc biệt, địa phương tập trung đổi mới, sáng tạo, đột phá trong hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng về giá trị văn hóa, hình ảnh, thương hiệu du lịch xứ Dừa đến du khách... Bến Tre tranh thủ nguồn vốn Trung ương, địa phương, kết hợp vốn chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình xây dựng nông thôn mới, từ các thành phần kinh tế... để xây dựng, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp phát triển du lịch.
Cửu Long