Tiki mới công bố chiến lược xây dựng nền tảng mở phục vụ doanh nghiệp và khách hàng Việt, trong khi Be Group đã tích hợp nhiều dịch vụ thuần Việt trên ứng dụng. MoMo trước đó công bố tôn chỉ vì người Việt.

{keywords}
Một quán ăn nhỏ chấp nhận thanh toán MoMo. (Ảnh: Hải Đăng)

Ông Richard Triều Phạm, Giám đốc tài chính của Tiki, mới đây công bố những chiến lược của công ty trong năm 2021. Trong đó, nền tảng công nghệ mở được nhấn mạnh. Tiki sẽ chú trọng xây nền tảng kho vận cho các đối tác cùng tham gia, đồng thời thúc đẩy mô hình ứng dụng trong ứng dụng (app in app).

Trong các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, Tiki là đơn vị đầu tiên đưa ra gói giao hàng trong vòng 2 giờ và hiện vẫn duy trì được thế mạnh về giao hàng so với các đối thủ. Họ cũng lập công ty riêng chuyên về logistics để nâng cao năng lực vận hành.

Theo ông  Richard Triều Phạm, mỗi năm Tiki đầu tư hàng chục triệu USD vào logistics và đang xây dựng mô hình logistics mở.

“Chúng tôi đang xây dựng và phát triển một nền tảng logistics, chứ không chỉ đơn thuần là một công ty logistics truyền thống. Chúng tôi mong muốn có thể kết nối tất cả các đơn vị trong chuỗi cung ứng một cách xuyên suốt nhằm gia tăng tốc độ cũng như cắt giảm chi phí”, Giám đốc tài chính Tiki cho biết.

Những đối tác tham gia nền tảng này sẽ tiếp cận hàng triệu người mua và hàng trăm ngàn nhà bán hiện tại trên Tiki. 

Song song đó, để khai thác tập khách hàng nói trên, trang thương mại điện tử này hướng đến mô hình ứng dụng trong ứng dụng, để các nhà phát triển, các startup xây dựng và thiết lập những ứng dụng bổ sung trên nền tảng có sẵn của Tiki. Việc này vừa giúp các nhà phát triển ứng dụng tiếp cận ngay lập tức một nhóm khách hàng sẵn sàng chi tiêu, vừa giúp nền tảng thương mại điện tử đa dạng dịch vụ.

Kể từ năm 2017, số lượng khách hàng trên sàn Tiki đã tăng 4 lần, chi tiêu của một khách hàng trên sàn cũng tăng gấp 2 lần. Ngoài ra, chi phí logistics trên một đơn hàng giảm hơn 25% trong năm 2020 và tỷ lệ trả hàng dưới 1%. 

“Chúng tôi tập trung toàn lực cho thị trường Việt Nam. Việt Nam là thị trường duy nhất của chúng tôi. Những gì tốt nhất cho Việt Nam cũng chính là tốt nhất cho Tiki. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là xây dựng và đồng hành cùng nhiều công ty Việt hơn nữa để đóng góp tích cực vào toàn bộ nền kinh tế”, ông David Triều Phạm nói.

Trước đó, Be Group cũng tuyên bố trở thành hệ sinh thái mở thuần Việt. Nền tảng gọi xe này phối hợp với các đối tác như MoMo, VN Pay, Vé Xe Rẻ, VPBank,... để cung cấp dịch vụ cho tài xế và khách dùng ứng dụng.

Hồi tháng trước, Be Group phối hợp với VPBank giới thiệu Ngân hàng số Cake. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một ngân hàng số được kết nối để hiển thị trên nền tảng ứng dụng gọi xe. 

Cake do nhóm kỹ sư Việt của Be Group phát triển, dùng nền tảng tài chính của VPBank. Ứng dụng gọi xe thuần Việt thể hiện mong muốn hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam để phục vụ tốt nhất người tiêu dùng Việt, đồng thời góp phần tạo vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong các lĩnh vực quan trọng, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền kinh tế, chủ quyền số của Việt Nam.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO Be Group, nói Cake là bước đi quan trọng tiếp theo trong việc nâng cấp hệ sinh thái của ứng dụng Be nhằm phấn đấu trở thành nền tảng số mở.

Có lịch sử phát triển lâu đời hơn hai nền tảng Việt kể trên, MoMo đã đưa khá nhiều dịch vụ của bên thứ ba lên ứng dụng. Các dịch vụ như mua vé xe, vé xem phim, đóng tiền dịch vụ, thanh toán phí bảo hiểm, du lịch... đều do bên thứ 3 cung cấp.

Hồi tháng 9 năm ngoái, sau khi đạt mốc 20 triệu người dùng, MoMo tuyên bố phát triển thành siêu ứng dụng. Dù khác nhau về tên gọi và có chút khác biệt trong vận hành, nhưng bản chất nền tảng mở hay siêu ứng dụng đều phải hợp tác với nhiều đối tác khác nhau để đa dạng hoá nền tảng.

Sau khi trở thành một nền tảng thanh toán dẫn đầu, MoMo tiến tới bước tiếp theo là xây dựng cơ sở hạ tầng số cho cho ngành bán lẻ và dịch vụ tại Việt Nam để mỗi người dân Việt Nam có thể tiếp cận mọi dịch vụ họ cần trên ứng dụng MoMo; hỗ trợ các nhà bán lẻ, dịch vụ tiếp cận những khách hàng mà trước đây họ không có điều kiện và cơ hội tiếp cận.

MoMo cho biết sẽ tạo điều kiện cho các đối tác nhỏ bé, đơn lẻ (như tiểu thương, người bán hàng rong, các công ty khởi nghiệp,...) có thể bán hàng và thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, ví điện tử này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đối tác tham gia vào quá trình chuyển đổi số một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Thời điểm công bố trở thành siêu ứng dụng, MoMo khẳng định mục tiêu của họ: Sử dụng trí tuệ Việt, công nghệ Việt để thay đổi cuộc sống con người, góp sức xây dựng một nước Việt Nam hùng cường hơn, tươi đẹp hơn.   

Hải Đăng

Phát triển doanh nghiệp Make in Vietnam để giảm phụ thuộc FDI

Phát triển doanh nghiệp Make in Vietnam để giảm phụ thuộc FDI

Mặc dù ngành Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đóng góp lớn vào nền kinh tế số nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, do đó cần phát triển mạnh nhóm doanh nghiệp Make in Vietnam.