- “Yêu và được yêu không phải là đặc quyền của bất cứ giới nào. Quyền được mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của tất cả mọi người. Việc 2 bạn tổ chức tiệc cưới không phải là vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, vì theo pháp luật, 2 bạn chưa từng đăng ký kết hôn”, anh Thảo nói.


Xung quanh chuyện gia đình và cặp đồng tính tổ chức đám cưới ở Hà Tiên bị chính quyền gọi lên để “giáo dục và xử phạt hành chính” có rất nhiều thông tin trái chiều.

Anh Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc truyền thông trung tâm ICS (tổ chức của những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam có sứ mệnh liên kết và xây dựng cộng đồng LGBT sống tích cực, vận động và bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT) cho biết cách hành xử của chính quyền và người dân địa phương là biểu hiện cụ thể nhất của việc kỳ thị người đồng tính.

Anh Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc truyền thông trung tâm ICS.

Anh Thảo bày tỏ: “Tôi ủng hộ việc hai bạn ở Hà Tiên đã vượt qua sự định kiến và kỳ thị của xã hội để sống thực với chính mình và quyết định hạnh phúc cho chính mình. Yêu và được yêu là không phải là đặc quyền của bất cứ giới nào. Quyền được mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của tất cả mọi người. Việc 2 bạn tổ chức tiệc cưới không phải là vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, vì theo pháp luật, 2 bạn chưa từng đăng ký kết hôn”.

Cho rằng việc kỳ thị người đồng tính là do thiếu kiến thức về giới, tình dục học, anh Thảo mong muốn truyền thông sẽ góp phần đưa vấn đề này đến gần với mọi người hơn: “Việc chưa truyền thông rộng rãi các thông tin về người đồng tính đã góp phần làm cho xã hội thiếu hụt kiến thức về mảng đề tài này, khiến nó trở nên xa lạ, "bất bình thường" trong mắt người dân và từ đó dẫn đến sự kỳ thị, bạo hành. Thiết nghĩ đã đến lúc cần phải nói nhiều hơn thông tin về người đồng tính trong cuộc sống. Vì ở đâu đấy xung quanh chúng ta, người đồng tính, song tính, chuyển giới vẫn hiện diện”.

Anh Thảo cho biết, tại Việt Nam, chưa có luật dành riêng cho người đồng tính. Tuy nhiên, nếu xét theo quyền công dân thì các nạn nhân đều đã bị vi phạm quyền công dân nghiêm trọng. “Như vụ việc lễ cưới thì họ bị xúc phạm về tinh thần, nhân cách, bị trục xuất khỏi nơi ở, bị giáo dục - mà tôi cũng chẳng hiểu là giáo dục gì”, anh Thảo nói.

“Xã hội Việt Nam rất hiếu kỳ, khi thấy 1 việc gì đó lạ hơn bình thường, họ liền xì xào bàn tán, thậm chí tẩy chay. Như việc 2 bạn trẻ Hà Tiên, theo nhiều nguồn tin là họ bị trục xuất khỏi quê hương mình, đây không còn là vi phạm về quyền công dân mà thể hiện sự thiếu tính nhân văn của người quản lý.

Người dân mình cần hiểu nhiều hơn và biết tôn trọng sự khác biệt, từ đó sẽ có cái nhìn rộng mở hơn với nhiều trường hợp khác nhau của cuộc sống. Mặt khác, pháp luật Việt Nam cũng cần nhanh chóng có luật về hôn nhân đồng tính để tránh tối thiểu những đáng tiếc có thể xảy ra về sau”, anh Thảo nói thêm.

Anh mong muốn sớm có luật dành riêng cho người đồng tính. Ở đó, người đồng tính vẫn sẽ có những quyền hạn và nghĩa vụ giống với tất cả những người khác trong xã hội, và tất nhiên, họ vẫn sẽ được kết hôn, xin con nuôi, không bị kỳ thị, định kiến, bạo hành như bất cứ người dân nào trên đất nước Việt Nam mình.

“Hiện nay đã có 10 nước trên thế giới chính thức công nhận hôn nhân đồng tính cũng như có luật bảo vệ người đồng tính. Thật ra, người đồng tính cũng không đòi hỏi đặc quyền gì quá lớn lao, tất cả chỉ để đáp ứng mưu cầu được hạnh phúc, sống tích cực và đóng góp cho xã hội”, anh Thảo chia sẻ.

Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Việt: Công nhận đám cưới đồng tính không có lợi cho sự phát triển bình thường của xã hội

Thưa Luật sư, xin ông cho biết việc tổ chức đám cưới cho người đồng giới có vi phạm pháp luật hay không và nếu có thì mức độ vi phạm như thế nào?

- Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì Nhà nước cấm kết hôn đồng giới. Những người cùng giới tính không được kết hôn với nhau và không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì hành vi kết hôn đồng giới có thể bị phạt từ 100 đến 500 nghìn đồng và buộc phải chấm dứt quan hệ “hôn nhân” trái pháp luật này.

Như vậy, việc kết hôn của những người cùng giới tính là trái pháp luật, thuộc trường hợp bị xử lý hành chính. Người bị xử lý hành chính là “đương sự” trong cuộc hôn nhân không hợp pháp đó.

Hiện nay có quan điểm cho rằng, pháp luật cần phải tôn trọng sự khác biệt của người đồng tính và cho họ được quyền chung sống hợp pháp với “người yêu” bằng việc công nhận hôn nhân đồng tính, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


- Tình yêu đồng tính là một vấn đề xã hội nhưng hôn nhân đồng tính là vấn đề pháp lý. Từ chỗ là một hiện tượng xã hội đến sự công nhận của pháp luật đối với hiện tượng xã hội đó thì cần phải xem xét đến các hệ quả của việc công nhận đó đối với sự phát triển bình thường của xã hội.

Tôi không đồng tình với việc công nhận hôn nhân đồng giới và tôi cũng tin rằng, hầu hết chúng ta không đồng ý với đòi hỏi này. Vì, trên phương diện tình yêu hay tình dục thì đồng tính cũng là hiện tượng không lành mạnh. Với sự tôn trọng tự do cá nhân thì “đồng tính” không bị Nhà nước lên án bằng các chế tài pháp lý. Song, để công nhận nó đồng nghĩa với việc khuyến khích sự lệch chuẩn phát triển và điều đó sẽ không có lợi cho việc phát triển bình thường của xã hội.

Trong khi đó, pháp luật có chức năng duy trì sự phát triển bình thường và lành mạnh của xã hội. Vì thế không thể công nhận hôn nhân đồng tính bằng pháp luật.

Hiện có một số quốc gia công nhận hôn nhân đồng tính, ông cắt nghĩa như thế nào về việc công nhận sự “lệch chuẩn” của các quốc gia này, thưa ông?

- Trong tư duy lập pháp thì công nhận quyền của công dân đồng nghĩa với việc xác định nghĩa vụ của Nhà nước. Vì thế, nhiều quốc gia cho rằng, người đồng tính có quyền tự do cá nhân trong biểu lộ xúc cảm và tự do về tình dục nên để tránh cho việc tự do của công nhân bị xâm phạm (như kỳ thị hoặc bị coi là bất hợp pháp), Nhà nước phải ban hành luật để bảo vệ sự tự do đó.

Trong tư duy lập pháp của chúng ta thì tự do cá nhân cũng rất quan trọng, song tự do cá nhân cũng có những giới hạn nhất định để bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển bình thường của xã hội. Vì thế, những người đồng tính vẫn có sự tự do về tình cảm, thậm chí là tình dục đồng giới nhưng rõ ràng là không được khuyến khích nên pháp luật không công nhận quan hệ chính thức của họ.

Xin cảm ơn ông! (Báo PLVN)

La Hoàn

MỜI ĐỘC GIẢ CHIA SẺ Ý KIẾN VỀ VẤN ĐỀ NÀY! XIN TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!