Mùa xuân lại sắp về. Nghĩ về những kỷ niệm và gương mặt thầy giáo, bạn bè hơn 30 năm mà vẫn cứ gần gũi, bồi hồi.
Gửi lời chúc năm mới qua VietNamNet
Thế là mùa xuân lại đến với mọi người mọi nhà. Xuân sang lại nhớ những ngày xa xưa nơi cái thị trấn bé nhỏ miền Trung đầy nắng và gió ấy có những chàng trai và cô gái mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh để vào lớp học. Dạo đó là năm 1976-1977.
Thật ra cũng không phải lớp học toàn áo lính mà có cả những tà áo trắng của các cô cậu học sinh phổ thông. Đó là con em của cái thị trấn Cộn bé nhỏ nơi là thủ phủ của Quảng Bình sau khi thị xã Đồng Hới bị giặc phá tan tành. Những gương mặt trẻ trung xinh đẹp. Và nhớ nhất cô bé Hà có gương mặt xinh xinh, bầu bĩnh…
Chúng tôi bước chân vào lớp ôn thi đại học khi bắt đầu mùa xuân về. Dạo ấy thị trấn Cộn còn hoang vắng lắm. Và Trường văn hóa cũng thật sơ sài. Mang tiếng là Trường văn hóa của cả một Quân khu có tiếng thời chống Mỹ- Quân khu 4- nhưng toàn nhà tranh vách đất. Trường đã tiếp thu từ một đơn vị bộ đội đóng quân.
Mới chân ướt chân ráo từ đơn vị cũ vào đây nên cái gì cũng lạ. Và nhớ nhất là anh em trong đơn vị cũ.
Đơn vị cũ của tôi sau khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện quân chi viện cho chiến trường, lại lao ngay vào xây dựng kinh tế. Công trình Quảng Châu nơi Sầm Sơn lộng gió là khởi đầu cho bước chuyển đầu tiên. Những chàng trai cô gái vừa buông tay súng lại háo hức vào trận mới. Công trình đang vào giai đoạn cuối thì tôi lại phải chia tay bạn bè để đi ôn văn hóa.
Và khi xuân về nơi miền Trung cát trắng lại nhớ từng khuôn mặt thân quen. Hiền cô gái Ngã Ba Chè, có nghề dệt khăn. Những Hồng, Hiệp cô mậu dịch viên tương lai khi chia tay vẫn còn trẻ con. Hiệp là văn công Trung đoàn đi học mà cứ lưu luyến sân khấu. Rồi Quế cũng vậy cô gái có mái tóc dài rất đẹp có giọng nói tinh nghịch hơi “đanh đá” nhưng ấn tượng. Rồi Hòa, Đức, Ơn…Cánh nam có Lộc, tay kỹ thuật đẹp trai. Những anh Chung, anh Thẩm, anh Thước, Anh Xuân…cán bộ trung đội và đại đội nhiệt tình tận tâm.
Quảng Bình ngày ấy nghèo lắm, nhưng tình người lại sâu đậm. Trước Tết chúng tôi còn phải lên rừng thế mà giữa rừng sâu vẫn được các anh chị ở Trạm khí tượng thủy văn hào phóng cho ăn Tết cùng, dẫu chỉ là “sơn cước” gặp gỡ 1 buổi.
Chúng tôi cũng đón Tết rất linh đình, góp tiền mổ lợn. Dạo đó mà mổ lợn là oai lắm.
Tết ở Quảng Bình cũng khá lạ. Nghèo nhưng người dân đón Tết rất vui, có tổ chức hát bài chòi, đánh đu, thể thao. Lạ nhất là hát bài chòi, có lẽ lần đầu tiên và duy nhất mãi đến bây giờ tôi đã chứng kiến. Đúng là mỗi vùng quê trên đất nước ta đều có những nét xuân khác lạ. Sau này tôi có dịp đi nhiều nơi, kể cả nước ngoài mới thấy mùa xuân quê mình thật đẹp độc đáo và phong phú. Dù đi đâu, xa cách bao nhiêu nhưng ngày xuân vẫn về quê hương bản quán quây quần bên gia đình bạn bè, quây quần bên nồi bánh chưng và tíu tít những câu chuyện buồn vui qua một năm trời đàng đẵng, cách xa.
Rồi những gương mặt thân quen của các thầy giáo đã giảng dạy tận tình cho chúng tôi. Những thầy Chất, Ban giám hiệu, Thầy Tiến dạy văn, cây thơ của trường đã có nhiều bài đăng báo…
Đó chính là kỷ niệm về ngày Tết xa xưa nghèo mà vẫn vui mà tình cảm thật sâu nặng.
Mùa xuân lại sắp về. Nghĩ về những kỷ niệm và gương mặt thầy giáo, bạn bè hơn 30 năm mà vẫn cứ gần gũi, bồi hồi. Những cái tên vẫn còn hằn sâu nơi ký ức dẫu ngần ấy thời gian không gặp.
Bây giờ chắc mọi người đã thành ông nội, ông ngoại. Mùa xuân về xin chúc mọi người sức khỏe, an khang, thịnh vượng.
Cám ơn VietNamNet đã làm nhịp cầu để những tình cảm của những người dẫu cách xa hàng ngàn dặm, dẫu bao năm trời đằng đẵng không gặp vẫn cứ mãi gần gữi. Các bạn bè nếu đọc được những dòng này chắc cũng sẽ ấm lòng vì giữa Thủ đô vẫn nhớ tất cả những kỷ niệm ngày xa xưa ấy. Và các bạn có tin vui xin gửi phản hồi hoặc thông tin lại theo địa chỉ danghung12@yahoo.com.
Tấn Nông Trường