Nổi tiếng nhất trong số “Hai lúa” này là anh Thành "Thân Thiện" (Huỳnh Công Thành, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy).

{keywords}
Anh Huỳnh Công Thành (giữa) đang giới thiệu máy lọc mặn thành nước ngọt do anh sáng chế. 

“Thấy cha mẹ vất vả xoay xở để có nước ngọt tưới vườn sầu riêng đang khô khốc do bị ảnh hưởng của hạn mặn, tôi nghĩ ngay đến việc phải chế tạo máy lọc nước mặn thành nước ngọt”, anh Thành chia sẻ.

Lợi thế lớn nhất của anh Thành trong việc chế tạo máy lọc mặn là anh đã tốt nghiệp chuyên ngành xử lý nước thải của Trường Đại học Tài nguyên – Môi trường.

Sau nhiều ngày mày mò nghiên cứu từ sách vở, mạng internet về quy trình chế tạo máy lọc mặn, cuối cùng anh Thành cũng chế tạo thành công chiếc máy với công suất 500 lít/giờ, đủ tưới cho vườn sầu riêng của gia đình.

Về cấu tạo máy lọc nước mặn thành nước ngọt, anh Thành cho biết, hệ thống lọc gồm 2 bồn chứa nước, màng thẩm thấu và một số linh kiện khác… Tùy vào độ mặn của nước đầu vào mà mỗi giờ máy cho số lượng nước ngọt.

"Cơ chế của máy là hút nước từ sông, giếng và tùy thuộc độ mặn của nước mà máy xử lý”, anh Thành bộc bạch.

Theo đó, máy lấy nước rồi bơm qua bồn lọc thô, màng lọc tinh, bơm nén qua màng RO. Độ mặn khoảng 5 phần ngàn, nước ngọt lọc ra 500 lít/giờ. Nếu độ mặn cao hơn, mỗi giờ cho ra 300 - 400 lít nước ngọt.

Từ ngày chế tạo thành công máy lọc nước đến nay, anh Thành đã lắp hơn 60 chiếc cho bà con vùng hạn mặn.

Hiện, một chiếc máy lọc nước mặn sau khi chế tạo, lắp đặt, tùy theo công suất chi phí từ 40 - 70 triệu đồng. 

{keywords}
Máy lọc nước mặn thành ngọt của anh Thành.

Cũng như anh Thành, tại Cai Lậy, nông dân vùng hạn mặn còn biết đến anh Đoàn Khánh – một nhà chế tạo máy lọc nước mặn thành ngọt “nghiệp dư”. 

Xuất phát từ 5 công sầu riêng của gia đình đang “ngất xỉu” mà không có nước ngọt tưới, anh Khánh quay quắt tìm cách chế tạo máy lọc nước mặn thành nước ngọt theo như một số người bày vẽ.

Cuối cùng, anh cũng chế tạo được chiếc máy lọc có thể sản xuất 800 lít nước ngọt/giờ, chạỵ liên tục 24/24 với giá 30 triệu đồng.

Anh Khánh bộc bạch, nói anh là nhà sáng chế máy lọc là hơi quá, bởi thực tế chế tạo máy lọc nước mặn thành ngọt…. “rất dễ”.

“Cứ vô mạng internet rồi tìm những trang chỉ cách lắp đặt máy lọc nước mặn thành ngọt là làm được”, anh Khánh chỉ vẽ.

Theo anh Đoàn Khánh, vấn đề quan trọng là mua linh kiện lắp đặt máy theo công nghệ của nước nào.

“Nếu mua linh kiện của Mỹ giá sẽ đắt gấp đôi linh kiện Trung Quốc. Quan trọng nhất là màng lọc RO. Nếu mua hàng rẻ tiền, màng này sẽ “tắt” (nghẽn) suốt”, anh Khánh bộc bạch.

Anh Khánh cho biết thêm, trước nhu cầu bức bách phải có nước ngọt giải cứu vườn cây trong mùa hạn, mặn, nhiều nông dân đã mua máy lọc nước mặn thành nước ngọt của công ty.

{keywords}
Chiếc máy lọc mặn của anh Đoàn Khánh chế tạo.

Để vừa túi tiền nông dân, đa số máy lọc nước mặn thành nước ngọt trên thị trường hiện nay đều dùng linh kiện rẻ tiền. Và điều này khiến máy dễ hỏng hóc, nhất là màng lọc RO.

“Tại khu vực tôi sống, một số máy lọc nước mặn thành nước ngọt mua của công ty lúc đầu cho ra 600 lít/giờ. Xài được khoảng 1 tháng năng suất chỉ còn một nửa. Nông dân giờ không biết kêu ai”, anh Khánh thông tin.

(Theo Dân Việt)