Theo NASA, Đài quan sát Động lực học Mặt trời (SDO) của NASA đã bắt gặp Mặt trời "mỉm cười" hôm 26/10 vừa qua. Nhìn dưới ánh sáng cực tím, những mảng tối này trên Mặt trời được gọi là lỗ nhật hoa và gió Mặt trời thoát ra từ lỗ này thổi ra ngoài không gian.

Hình ảnh Mặt trời "mỉm cười" được chụp vào ngày 26/10 vừa qua. Ảnh: NASA

Mặc dù hầu hết các sự kiện đều được các nhà thiên văn chứng kiến ​​và nắm bắt trước đây, nhưng lần này có một điều mới mẻ để quan sát và học hỏi, chẳng hạn hình ảnh được nhìn thấy như "nụ cười" của Mặt trời.

Theo Interesting Engineering, các hoạt động mạnh trên Mặt trời dẫn đến từ trường lớn trên bề mặt của nó. Đôi khi, từ trường này tập trung ở một số khu vực nhất định và đột ngột dừng hiện tượng đối lưu. Điều này làm giảm nhiệt độ bề mặt của vùng này, khiến nó trông có vẻ tối hơn khi quan sát từ Trái đất và được gọi là vết đen Mặt trời.

"Nụ cười" được nhìn thấy trên bề mặt Mặt trời là hình ảnh của ba vùng tối hơn. Tuy nhiên, đây không phải là những vết đen mà được gọi là lỗ nhật hoa. Không giống như các vết đen Mặt trời có từ trường quay ngược trở lại chính chúng, các lỗ nhật hoa là cấu trúc đường từ trường mở cho phép gió Mặt trời dễ dàng thoát ra ngoài. Các lỗ nhật hoa này báo hiệu các cơn gió Mặt trời tàn khốc dội vào Trái Đất, gây ra bão địa từ, có thể đạt tốc độ lên tới 3 triệu km/h, theo Space.com.

Theo các nhà thiên văn, bão Mặt trời sẽ dội vào Trái Đất các ngày 29 và 30/10, cấp G1 - cấp bão địa từ yếu nhất - có thể làm xáo trộn các vệ tinh trên quỹ đạo và gây ra những biến động lưới điện, viễn thông nhỏ trên Trái Đất.

Hải Nguyên