Kim ngạch xuất khẩu cao nhất hơn một thập kỷ
Năm 2022 là một năm rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nước ta đã xuất khẩu được 1,78 triệu tấn cà phê trong năm vừa qua với tổng kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Thành công này đến từ việc đẩy mạnh xuất khẩu, khi giá cà phê trên thị trường đạt mức cao nhất kể từ năm 2011, kết hợp với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 7 lần liên tiếp khiến tỷ giá USD/VND tăng đột biến.
Tuy nhiên, cũng chính việc xuất khẩu ồ ạt đã khiến nguồn cung trong nước giảm xuống mức rất thấp kể từ cuối năm 2022 đến nay. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, đánh giá: “Trong giai đoạn quý II và quý III năm ngoái, khi nhu cầu cao và tỷ giá có lợi, các doanh nghiệp đã tích cực thu gom cà phê từ nông dân và đẩy mạnh xuất khẩu. Giá nội địa và xuất khẩu đều tốt dẫn đến việc đẩy hàng đi nhiều nhất có thể. Điều này khiến tồn kho thực tế đã giảm mạnh từ cuối năm 2022 và ảnh hưởng tới khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn đầu năm 2023”.
Trong năm 2022, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta tăng gần 14% so với năm 2021, trong khi sản lượng chỉ tăng 9% từ 1,74 triệu tấn lên 1,89 triệu tấn (theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ). Thậm chí, sản lượng cà phê thu hoạch vào cuối năm 2022 được dự báo sẽ giảm từ 10-15% do mưa lớn ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch. Như vậy, tổng nguồn cung xuất khẩu trong năm nay có thể sẽ thấp hơn so với năm ngoái. Điều này sẽ khiến ngành xuất khẩu cà phê khó duy trì được mức tăng trưởng như năm 2022.
Bên cạnh đó, Fed đã giảm dần đà tăng lãi suất trong năm 2023, với mức tăng 25 điểm cơ bản trong lần điều chỉnh đầu tiên của năm nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng này vào tháng 3, sau khi các quan chức của Fed đều có quan điểm cứng rắn về lãi suất, với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%. Điều này sẽ khiến sự chênh lệch tỷ giá thu hẹp lại so với thời điểm tăng mạnh lãi suất trong năm 2022, làm hạn chế phần nào nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Rào cản từ các thị trường xuất khẩu chính
Những khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023 của Việt Nam không chỉ dừng lại ở thách thức về nguồn cung mà đó còn là vấn đề về chất lượng cũng như nguồn gốc cà phê. Vào cuối năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) ra sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng đã gây ra những lo ngại về lượng cà phê Việt Nam có thể xuất sang thị trường này và đặt ra bài toán về việc phát triển cà phê một cách bền vững hơn.
Tại Việt Nam, tình trạng ken, đốt gốc thông, bạch đàn để chiếm đất trồng cà phê không còn quá xa lạ và đã từng là vấn nạn quan tâm hàng đầu đối với việc phát triển ngành cà phê. Sắc lệnh mới của châu Âu không chỉ đưa đến sự nghiêm ngặt đối với hàng cà phê xuất khẩu mà còn là một nhân tố có thể thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững hơn của ngành cà phê khi không chỉ tập trung vào việc mở rộng diện tích để tăng sản lượng mà cần chú ý hơn đến vấn đề năng suất.
Hơn nữa, việc EU siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1 mg/kg cũng là một khó khăn, đòi hỏi nông dân phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới phục vụ hoạt động xuất khẩu. “Nhìn một cách tích cực, đây là động lực để ngành cà phê Việt Nam có những thay đổi, cải tiến để theo kịp xu thế chung của các thị trường xuất khẩu lớn. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, sẽ tạo tiền đề để duy trì vị thế dẫn đầu của Việt Nam, không chỉ về sản lượng, xuất khẩu mà còn về chất lượng và quy mô của ngành”, ông Quang Anh cho biết thêm.
Điểm sáng mới trong bức tranh tổng thể ảm đạm
Dù đứng trước muôn vàn khó khăn và thách thức trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023, thị trường chung vẫn có những điểm sáng mới để kỳ vọng.
Trung Quốc đang tích cực mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điều này không chỉ thúc đẩy sự hồi phục về kinh tế của riêng Trung Quốc mà còn có thể đóng góp vào sự phát triển chung của toàn cầu khi đây hiện là quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia như Mỹ, Việt Nam, … Cũng chính nhờ sự mở cửa này mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có sự điều chỉnh lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế toàn thế giới được điều chỉnh từ 2,7% lên 2,9%. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng có sự khởi sắc lần lượt từ 1,0% lên 1,4% và 0,5% lên 0,7%. Sự tăng trưởng trở lại giúp thị trường kỳ vọng chi tiêu của người dân sẽ được nới lỏng và nhu cầu đối với cà phê, mặt hàng phụ thuộc nhiều vào sức khỏe nền kinh tế của các quốc gia sẽ có sự khởi sắc.
Sự chênh lệch giá giữa cà phê Arabica và Robusta trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, khiến người dân có xu hướng chuyển từ tiêu dùng Arabica sang Robusta để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn có thể sử dụng cà phê. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu có thể sẽ suy yếu nhưng không tập trung vào Robusta và vẫn là một thông tin tích cực đối với cà phê Robusta ở thời điểm hiện tại. Theo dự báo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023-2033.
Bên cạnh đó, nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Brazil và Indonesia đang có dấu hiệu thu hẹp lại, giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu. Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil, sản lượng cà phê Robusta của nước này trong năm 2023 có thể sẽ sụt giảm gần 9% so với năm ngoái và Indonesia được Volcafe dự đoán sản lượng sẽ giảm về mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ.
Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức cần phải đối mặt để có thể duy trì đà tăng trước đó nhưng cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn cả từ các yếu tố vĩ mô đến nguồn lực trong nước. Do đó, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu có thể suy yếu so với năm kỷ lục vừa qua nhưng vẫn sẽ cao hơn 2 năm 2020 và 2021 và nhiều khả năng sẽ nằm trên mức kim ngạch trung bình 3 tỷ USD.