Trong năm 2022, xuất khẩu tôm góp sức lớn vào tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành, giúp hoạt động xuất khẩu thủy sản cả năm dự kiến cán đích với kim ngạch 11 tỷ USD. Con số này được xem là mốc kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam.

thuyhaisan.png

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa tại Vương quốc Anh không thể tránh khỏi ảnh hưởng của các yếu tố tác động từ diễn biến thương mại hàng hóa toàn cầu. Lạm phát gia tăng cũng khiến giá cả các loại hàng hóa trở thành mối bận tâm cho người tiêu dùng. Hoạt động nhập khẩu thủy sản cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng do các khó khăn về chi phí hay vận chuyển hàng hóa.

Minh chứng là từ tháng 11, ảnh hưởng của các yếu tố bất ổn trên thị trường hàng hóa toàn cầu đã phản ánh lên kết quả xuất khẩu ngành hàng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng, khiến tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chững lại và rơi xuống mức âm, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD, tạo ra nhiều lo ngại cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2023.

Đối với sản phẩm tôm Việt Nam, vị thế ngành hàng đang được duy trì khá tốt ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Vương quốc Anh. Tôm Việt Nam đang nỗ lực duy trì thị phần và tập trung vào chế biến sâu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh một số cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ đang có sản lượng khá tốt, và tình hình thương mại hàng hoá toàn cầu nhiều biến động, dự đoán mức tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành tôm trong giai đoạn tới có thể duy trì mức ổn định khoảng hơn 4 tỷ USD, với tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường UK chiếm khoảng 3,6%.

Cục xuất nhập khẩu nhận định, về dài hạn, với đặc điểm của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng với các mặt hàng thủy sản, Vương quốc Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV