Chỉ trong vòng nửa năm trời, lĩnh vực xuất nhập khẩu đã đi từ thái cực này sang thái cực khác chẳng khác gì trạng thái của “Tái ông” trong chuyện ngụ ngôn năm xưa.

Hồi cuối năm 2012, không ít người đã hỷ hả về việc, Việt Nam lần đầu tiên lại xuất siêu với 780 triệu USD sau đúng 2 thập kỷ, chỉ toàn có “nhập”.

Nhiều nhận định lạc quan cho rằng, điều này chứng tỏ nền sản xuất nội địa đã phát triển đáng kể, bớt giảm phụ thuộc vào ngoại lực hơn…

Tuy nhiên, ngay trong cái thời điểm hạnh phúc ấy không ít người cả lo đã nhìn thấy “họa”: bởi người ta cho rằng hiện tượng này của nền kinh tế đáng lo nhiều hơn mừng, bởi đó là hệ lụy của sự suy giảm sản xuất.

Ở một nền sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu như Việt Nam, không có nhập siêu, cũng đồng nghĩa sản xuất đình trệ. Nỗi lo (và cả niềm vui!) ấy kéo dài sang hết tháng 3/2013 khi xuất siêu tiếp diễn.

{keywords}

Cuối 4/2013, nhập siêu quay trở lại và lên đến mức đỉnh vào tháng 5/2013 ở mức 1,9 tỷ USD, thì không ít người đã lại cả mừng, khẳng định đây là một dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế. Nhập siêu có nghĩa là sản xuất đang phát triển, một vài tháng tới, tình hình xuất khẩu cũng sẽ khởi sắc hơn.

Dù vậy, ngay trong cái “phúc” lần này, một lần nữa người ta lại nhìn ra không chỉ một mà nhiều “họa” đang tiềm tàng. Bởi nhập siêu lớn sẽ gây áp lực đến cán cân thanh toán, tỷ giá ngoại tệ. Rồi trong nhập siêu, phải quan tâm cả cơ cấu hàng hóa nhập khẩu. Nếu nhập khẩu nhiều hàng xa xỉ thì hẳn nhiên, không phải là chuyện đáng mừng

Đặc biệt, người ta đang lo ngại là năng lực cạnh tranh của khối DN trong nước chúng ta có vẻ đang yếu dần đi. Bởi dấu hiệu nhập siêu trong khoảng 2 tháng qua (4 và 5/2013) là tốt vì tất cả những nhóm mặt hàng đang có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh như dệt may, da giày, điện tử... đều phục vụ làm hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, xét về tổng thể thì trụ cột chính đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung vẫn là khối DN FDI, trong khi thực lực của DN 100% vốn trong nước vẫn rất yếu.

Đơn cử là gạo, mặt hàng luôn dẫn đầu về kim ngạch, nhưng gần đây sản lượng liên tục tăng nhưng ngược lại giá lại rớt thê thảm nếu so với mặt hàng cùng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Hay, xuất khẩu da giày, thủy sản, dệt may…cái thì giảm sản lượng, thiếu đơn hàng, cái thì tiềm ẩn nhiều rủi ro do thị trường thế giới hiện nay có nhiều biến động. Trong khi, các DN trong nước đang chịu nhiều áp lực về hàng tồn kho, lãi suất, chi phí đầu vào (điện, lương đều tăng) nhưng năng suất lao động không tăng…

Như vậy, nhìn lại một quá trình không dài trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ttừ cuối năm 2012 đến nay chúng ta có thể thấy sự lên xuống thất thường của lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng như kiểu nhận định nước đôi, kiểu “tái ông” còn chứng minh thêm một điều: chúng ta đang bị động và chưa có giải pháp nào đột phá để củng cố năng lực bên trong, tránh những tác động bất lợi từ bên ngoài.

Tâm Thời