Mỗi bức ảnh là một câu chuyện xúc động về chính cuộc sống của các em dân tộc thiểu số kéo người ta về một khoảng trời tuổi thơ. Khung trời đó là gia đình, bè bạn thân thương, là nơi mà những vất vả, cơ cực của cha mẹ, của những người xung quanh trở thành động lực tiếp bước cho tương lai, là nơi ôn lại những khoảnh khắc hồn nhiên của những trò chơi con trẻ,…

Tất cả những giây phút xúc động đó đều đã được tái hiện và lưu giữ trong 120 bức ảnh đẹp nhất được chụp bởi 49 em dân tộc thiểu số H’Mông, M’Nông, Raglai và Chăm đến từ 3 tỉnh Lào Cai, Đăk Nông và Ninh Thuận trong “Chương trình “Tiếng nói qua ảnh” (Photo Voice).

“Mỗi gia đình đều có bố mẹ để cuộc sống được hạnh phúc”

Tôi tình cờ gặp em Giàng Thị Chư khi em đang tha thẩn bên bức ảnh mình chụp. Khi được hỏi, em kể về bức ảnh của mình một cách say sưa như thể đang bộc bạch cuộc sống của mình với chính tôi. Em kể em chụp khoảnh khắc mẹ mình đang vất vả chuẩn bị bữa cơm trưa. Đó là thời điểm mẹ em bận rộn nhất: “Trưa mẹ em đi làm đồng về là lại sà vào bếp tật bật chuẩn bị bữa trưa cho em và bố, rồi chiều lại tất bật ra đồng”.

{keywords}

Bức ảnh người mẹ đang tất bật chuẩn bị bữa trưa cho gia đình được em Giàng Thị Chư chụp lúc 12 giờ trưa.

Em thực sự đã khiến tôi bất ngờ trước suy nghĩ của một đứa trẻ dân tộc H’Mông chỉ mới 7 tuổi. Không chỉ là một cô bé có tinh thần hiếu học, nhận thức được “sức nặng” của từng con chữ mà em còn thể hiện tình yêu thương cha mẹ trong từng hành động rất nhỏ. Em học Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Mản Thẩn, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai. “Tất cả các môn em đều thích học. Mỗi lần ở lớp, em cũng được các thầy cô giáo khen tiến bộ nhiều, cho điểm 8, điểm 9 và điểm 10. Tất cả các năm học em đều được học sinh giỏi. Em sẽ quyết định theo con đường học vấn. Khi nào rảnh thời gian, em sẽ giúp bố mẹ làm việc mà em có thể làm được”.

Người H’Mông hay nấu rau cải trong chảo, cách nấu rau này rất dễ làm, chỉ thái xong cho mỡ vào chảo cho nóng rồi đổ rau và bỏ muối iot và mì chính rồi đảo đều. Còn nấu dưa phải thái nhỏ rồi cho nước nóng, rau và nước phải bằng nhau. Nếu cho nước ít, rau sẽ thối và không ăn được, nếu cho nước nhiều thì rau không ngon vì không đủ độ chua.

Em chia sẻ: “Cách nấu rau, xào rau em cũng biết làm nhưng cách nấu dưa thì em chưa biết. Em rất thích ăn dưa và thích học để làm được dưa nhưng em còn ít tuổi, chưa làm được, còn phải xem bố mẹ làm nhiều và mình phải tập”.

Cũng giống như các hộ gia đình khác trong thôn, cuộc sống nhà em tuy cũng nghèo và khó khăn nhưng bố mẹ em vẫn cố gắng làm việc. Bố mẹ em đều làm nông và năm nay đã gần 60 tuổi.

Đôi mắt em rưng rưng khi nhắc đến ước mơ của mình, “Em mong muốn tất cả mọi người trong gia đình đều có bố mẹ và không phân biệt đối xử với nhau, chơi thân thiết với bạn bè và quý trọng thầy cô giáo, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, giúp bố mẹ làm những công việc vặt. Mỗi gia đình đều có bố mẹ để cuộc sống được hạnh phúc”.

Bức tranh khiến em nhớ lại thời ấu thơ của mình: “Thời bé, em thấy mẹ em vẫn làm những công việc này cho bà em. Bà ngoại em vừa mới qua đời được một tháng. Mẹ em cũng đang rất buồn. Mỗi lần em về thăm bà, bà thường nấu những món mà em thích nhất và mua quần áo mới cho em”.

Ký ức “trốn ngủ trưa” để được chơi cùng nhau và bài học tự lập

Bức ảnh của em Lừu Thị Lếnh, dân tộc H’Mông, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Mản Thẩn, Huyện Simacai, tỉnh Lào Cai mô tả về một giờ chơi bập bênh của các em sau giờ ăn trưa ở trường học.

Em tâm sự, ở trường các bạn không thường xuyên ngủ. Các em đã “trốn ngủ trưa” để ra chơi cùng nhau. “Qua bức ảnh, em muốn các bạn tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí hơn để có thể giảm bớt căng thẳng sau giờ học. Trên lớp các em cũng được tham gia phát biểu ý kiến, tuy nhiên vẫn rất cần những giờ ra chơi”.

{keywords}

Trẻ em rất cần những giờ ra chơi để giải tỏa căng thẳng và hòa nhập.

Với em, giờ ra chơi còn là những giờ phút đáng quý để những người bạn ở bên nhau và hiểu nhau hơn. Em nhớ về ngày đầu tiên lên trường bán trú học và ở cùng một người bạn. “Bạn ấy tên là Dủa, kém em một tuổi. Bạn hoạt bát, chăm học và rất hòa đồng, cởi mở”. Có một thời gian, em và bạn đã phải chia tay nhau. Em chuyển đi một nơi khác do hoàn cảnh gia đình. Nhưng hiện tại, “em không còn buồn nữa vì hiện tại có cơ hội được gặp lại bạn ấy”.

Em xúc động khi nhớ về ấu thơ: “Có khi em chơi trò cầu bập bênh bị ngã nhưng không những không đau mà cảm thấy rất vui. Em nhớ về những ngày thơ bé được chơi cùng các bạn trong xóm. Bây giờ, thỉnh thoảng, sau khi học bài xong, em thường chơi trò đó với các bạn”.

Một bức ảnh khác của em đã lưu giữ một khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa khi trong thời gian học thực hành chụp ảnh, em đã học được cách tự lập. Sau mỗi giờ ăn, mỗi bạn phải tự rửa chiếc cặp lồng inox của mình. Em đã hiểu “Người nào ăn được thì cũng rửa bát được". Mọi việc phải được tự làm thì mới có ý nghĩa. Hơn thế nữa, em muốn các bạn phải giữ gìn vệ sinh thực phẩm, để tốt cho sức khỏe.

{keywords}

Ảnh em Lừu Thị Lếnh chụp một giờ rửa “bát” sau khi ăn trưa đầy hào hứng của các bạn trong lớp. Em cho biết đó là một bài học về tinh thần tự lập

Em còn nhớ như in những khi lấy nước để rửa cập lồng. Nguồn nước cách đó 1km nên thầy giáo đã giúp đỡ các em dòng ống nước từ nguồn về cho chúng em để chúng em tự rửa bát của mình. Em nhận thấy nước với cuộc sống là rất quý giá và sẽ luôn bảo vệ nguồn nước.

Bảo tồn nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình

Em Nguyễn Văn Hòa, tác giả của bức tranh “Lễ cổ động các anh thanh niên lên đường nhập ngũ” chia sẻ, khi được giao máy ảnh để chụp, đề tài em thích nhất là cuộc sống xung quanh của em và những văn hóa của dân tộc mình. Nét văn hóa nổi bật của dân tộc Chăm của em là các lễ hội và tiếng trống, tiếng khèn của người Chăm.

{keywords}

Em Nguyễn Văn Hòa, 14 tuổi, học sinh lớp 8/1, Trường Trung học cơ sở Hà Huy Tập, Ninh Thuận đứng cạnh bức ảnh chụp lễ cổ động các anh thanh niên để các anh lên đường nhập ngũ trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

“Em cảm thấy văn hóa của dân tộc mình rất đa dạng. Nó có rất nhiều thứ mà em phải tìm hiểu thêm. Thông qua bức ảnh của mình, em mong nét văn hóa của dân tộc mình sẽ được lưu giữ mãi và truyền lại cho con cháu sau này để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, suy nghĩ đó của em đã đánh thức biết bao người trẻ trong cuộc sống hội nhập ngày hôm nay.

Em chia sẻ nỗi buồn trước thực trạng: chỉ có những ngày lễ lớn, người dân quê em mới mặc những trang phục truyền thống và cảm thấy “rất tự hào về bộ trang phục mình đang mặc. Giới trẻ hiện nay thích mặc những bộ trang phục hiện đại, phô trương. Muốn chụp lại những bức ảnh để lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mình. Em muốn tuyên truyền cho các bạn biết nét văn hóa của dân tộc mình như thế nào”.

Đỗ Dung