Bài học thành công từ Samsung

Vài năm trước, Samsung- một trong những công ty sản xuất hàng điện tử đứng đầu thế giới đã thất bại trong việc tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện tại Việt Nam. 

{keywords}
Hiện Samsung đang tìm kiếm và xây dựng nhóm doanh nghiệp cung ứng tiềm năng với 180 doanh nghiệp Việt để xây dựng và phát triển họ làm đầu mối cho mình.

Thông tin được Samsung đưa ra cách nay gần 5 năm, doanh nghiệp này xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD nhưng số tiền bỏ ra nhập linh phụ kiện từ các nhà cung ứng tại Việt Nam chỉ khoảng 35 triệu USD.

Cụ thể, thời điểm đó, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp cho Samsung chỉ chiếm chưa đến tổng số 10% nhà cung ứng của công ty. Trong 41 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất chỉ có 4 doanh nghiệp cấp 1 cung ứng trực tiếp, còn lại là cấp 2, cấp 3, thậm chí là cấp 4 thông qua các trung gian.

Thế nhưng, với nhiều chương trình kết nối tìm nhà cung cấp linh kiện trong 5 năm qua với sự thúc đẩy mạnh mẽ của Bộ Công Thương, câu chuyện của Samsung giờ đã khác trước rất nhiều.

Năm 2018, đã có 35 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Nếu tính cả các nhà cung ứng cấp 2 và các nhà cung cấp dịch vụ, đã có 627 doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng, chiếm khoảng 30% tổng số các nhà cung ứng của Samsung.

Hồi đầu năm nay, tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Trụ sở Chính phủ, tân Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định, Samsung sẽ chủ động đóng vai trò đầu tàu phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Mục tiêu của hãng điện thoại này là tiến tới 50 DN cấp 1 vào năm 2020.

Đại diện Samsung Việt Nam, ông Ryu Kilsang, Giám đốc truyền thông Samsung Việt Nam từng chia sẻ với giới báo chí: Mỗi năm doanh nghiệp này vẫn tự đi tìm doanh nghiệp phụ trợ cho mình.

Hiện Samsung vẫn đang tìm kiếm và xây dựng nhóm doanh nghiệp cung ứng tiềm năng với khoảng 200 doanh nghiệp Việt.

Ngoài ra, Samsung còn kết hợp với Bộ Công Thương triển khai Chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Năm 2018, chương trình đã hoàn thành đạo tạo được 95 chuyên gia và năm 2019, dự kiến đào tạo cho 105 chuyên gia. 

Xương sống của nền công nghiệp

Thế nhưng, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những mô hình phát triển CNHT như cách mà Samsung đang làm. Tuy nhiên, cho đến nay, khoảng 3.500 doanh nghiệp CNHT Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước và còn khoảng cách lớn với yêu cầu từ các Tập đoàn đa quốc gia.

Vẫn còn đó nhiều điểm yếu về năng lực của các doanh nghiệp ngành này. 

Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều ưu đãi lớn về kinh phí đầu tư Nhà nước, ưu đãi thuế, tín dụng và đất đai. Nghị định cũng nêu rõ cụ thể danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của 6 nhóm ngành gồm: dệt may, da giày, điện tử, ô tô, cơ khí và công nghiệp công nghệ cao.

Tiếp sau đó, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 68 ngày 18/1/2017 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 với nhiều giải pháp hỗ trợ rất cụ thể. 

Đặc biệt, mục tiêu đưa ra cho ngành này đầy thách thức. Theo đó, đến năm 2020, sản phẩm CNHT cần đáp ứng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025 đáp ứng 65%.

Như vậy, chỉ còn hơn 1 năm nữa, ngành CNHT Việt Nam phải tăng trưởng từ mức đáp ứng được 10% nhu cầu lên mức 45% nhu cầu sản xuất nội địa. Đây chắc chắn là sức ép nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sân chơi hấp dẫn này. 

Theo các chuyên gia kinh tế, nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp cần phải nâng cao hơn nữa. Cần phải xác định rõ ràng rằng công nghiệp hỗ trợ không phải ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” mà đây là ngành đóng vai trò xương sống trong nền công nghiệp.

Đây là ngành đóng vai trò then chốt trong khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, có tính chất quyết định đối với sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nếu không có công nghiệp hỗ trợ sẽ không thể có ngành công nghiệp chế tạo.

Để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp với lĩnh vực này, vươn tới các chuẩn mức toàn cầu để có thể tham gia được các chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia. 

Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Thực tế hiện nay, DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, hạn chế về quy mô trong lĩnh vực về năng lực công nghệ, năng lực của nguồn nhân lực cũng như năng lực về điều kiện tín dụng và năng lực tiếp cận thị trường; do vậy, rất cần những khung khổ chính sách và cơ chế cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ cho DN, tiếp cận được với thị trường của CNHT.

Theo Bộ trưởng, 6 ngành nêu trên là các ngành cần phát triển đột biến của công nghiệp hỗ trợ để mang lại những động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp. 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến phải hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cho CNHT, trước mắt là tại 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam.

Thanh Tú

Việt Nam phải trở thành công xưởng phát triển công nghiệp

Việt Nam phải trở thành công xưởng phát triển công nghiệp

 Dù có nhiều bước tiến mạnh trong những năm qua nhưng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam về cơ bản vẫn còn nhiều việc phải làm cho mục tiêu trở thành công xưởng phát triển công nghiệp.