Năm 2021, giữa lúc dịch bệnh diễn biến căng thẳng, 200 thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã xung phong vào điểm nóng TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long. Thành lập trung tâm Trung tâm hồi sức Covid-19 Vĩnh Long, từ 8/2021 đến nay, các nhân viên y tế đã làm quên ăn quên ngủ, giành giật sự sống cho bệnh nhân, trong đó không ít bác sĩ có con nhỏ, cha mẹ già yếu.

Hiện, gần 70 bác sĩ vẫn đang ở lại ăn Tết ở Vĩnh Long để nỗ lực chống lại dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, người dân tỉnh Vĩnh Long trân trọng tri ân sự chi viện của các y bác sĩ trung ương, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế phục hồi. “Ở ngay ranh giới giữa sống và cái chết, chúng ta càng thấy trân trọng bản lĩnh của các chiến sĩ áo trắng”, bà Quyên Thanh nhấn mạnh.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, người dân tỉnh Vĩnh Long trân trọng tri ân sự chi viện của các y bác sĩ trung ương.

“200 y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã ngày đêm níu giữ sự sống cho bệnh nhân. Nhiều y bác sĩ đã nhiễm dịch khi phải căng mình chống dịch, đối mặt nguy cơ lây nhiễm hàng ngày hàng giờ. Dịch bệnh tạm qua đi, quãng thời gian vừa qua rất khó khăn. Các anh chị chắc k quên nỗi ám ảnh khi cố gắng như một bác sĩ chia sẻ: “Không có nỗi xót xa nào hơn khi làm hết sức nhưng không giữ được sự sống cho bệnh nhân”.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng chia sẻ, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 được Bộ Y tế thành lập tháng 8/2021 đã cứu sống nhiều người bệnh. Từ 15/12, trung tâm được chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn cam kết hỗ trợ để đạt được mục tiêu cứu nhiều bệnh nặng Covid.

“Thời gian đầu, tôi không hình dung có thể sẽ thành lập được trung tâm trong 2 tuần. Tại đây, hơn 200 y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, 50 bác sĩ Bệnh viện Nội tiết và các nhân viên y tế tỉnh Vĩnh Long đã cứu sống được rất nhiều ca bệnh. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của các bác sĩ, điều dưỡng”, PGS.TS Trần Minh Điển nói.

{keywords}
PGS.TS Trần Minh Điển cùng các đồng nghiệp tiễn đoàn y bác sĩ vào Vĩnh Long chống dịch.

 

Hiện, bệnh viện có 67 y bác sĩ, điều dưỡng đang công tác ở đây. Họ chia sẻ sự cô độc của các bệnh nhân trong phòng bệnh. Đây là cảm xúc các bác sĩ khó thể nào quên.  

Cũng theo PGS.TS Điển, chỉ số mắc Covid mới ở tỉnh Vĩnh Long từ hàng nghìn ca/ngày đã xuống dưới 100 người, như vậy bệnh nhân nặng cũng giảm, các y bác sĩ đỡ vất vả hơn. “Hôm nay, ngày cuối năm, tôi hi vọng thời gian tới, khi dịch bệnh được khống chế, các bạn sớm trở về Bệnh viện Nhi Trung ương, hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho trẻ em”.

Từ đầu cầu Vĩnh Long, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương đã 2 tháng xa nhà đi chống dịch, cũng chia sẻ: “Tôi không nghĩ cuộc chiến này vất vả, cam go đến vậy. Suốt cuộc đời, chúng tôi không thể quên. Có những quyết định giữa sự sống và cái chết bệnh nhân, có những lúc thấy bất lực, khó khăn nhất khi không giữ được sự sống cho bệnh nhân. Chúng tôi là bác sĩ chủ yếu chăm sóc cho bệnh nhi, nhiều người không làm chuyên khoa hồi sức vì vậy khi đi chống dịch gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ đoàn kết của anh em, từ bác sĩ đến điều dưỡng, chúng tôi đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”.

Chương trình cũng phát video ghi lại hình ảnh tại gia đình bác sĩ Dũng, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương. Vợ anh vừa về nhà với cây quất sau xe. Chị nấu cơm làm mâm cỗ ngày cuối năm. Con trai đứng cạnh nhắc: “Mẹ ơi, mẹ để dành cho bố nhé”.

{keywords}
Vợ bác sĩ Dũng và các con đang chuẩn bị cái Tết khi chồng chị vẫn xa nhà.

Vợ bác sĩ Dũng chia sẻ: “Anh ấy không về ăn Tết, em cũng buồn nhưng em hiểu anh đang giúp người bệnh khó khăn. Hi vọng thời gian tới, các bác sĩ sớm được về nhà”. Khi được kết nối điện thoại với bác sĩ Dũng, con trai hỏi anh: “Bố ơi, tối nay bố có trực không? Bố có mệt không? Bao giờ bố về”, khiến nhiều người rơi nước mắt.

Ông Phạm Tiến triển, bố của bác sĩ Phạm Hồng Vân, một trong nhiều bác sĩ đang chống dịch tại Vĩnh Long, cũng chia sẻ: “Buồn và thương vì con phải ăn Tết xa nhà. Tôi cũng thương 2 cháu còn nhỏ mà phải xa mẹ. Cháu lớn không sao nhưng cháu bé thường xuyên hỏi: “Mẹ đi trực gì mà lâu thế?”. Tết này con không về, gia đình không vui lắm nhưng con cùng đồng nghiệp đi cứu người, tôi cũng chỉ biết động viên cháu hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong chương trình, tại đầu cầu Vĩnh Long, kỹ thuật viên trưởng Đinh Hồng Kỳ xuất hiện trong bộ quần áo bảo hộ, đang vào ca trực tại ICU, cho biết: “Ở đây, thời tiết nóng nhưng các anh chị vẫn kiên cường bám bệnh viện, điều trị cho bệnh nhân”.

Bác sĩ Vũ Anh, cũng trong bộ quần áo bảo hộ, nhắn nhủ: “Mọi người đang quây quần bên gia đình nhưng bác sĩnh các bác sĩ vẫn vào đây công tác. Đi công tác vào dịp Tết cũng là trải nghiệm khó quên. Tôi cũng buồn nhưng cố gắng Tết này xa nhà để có những Tết khác đoàn viên”.

{keywords}
Cũng tại chương trình, một cháu bé Vĩnh Long trước sự vất vả của nhân viên y tế đã làm thơ tặng các bác sĩ, điều dưỡng.

Biết hôm nay bệnh viện có chương trình kết nối với các bác sĩ chống dịch tại Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Hướng, mẹ của bác sĩ Vũ Anh, một mình đi xe máy đến trường quay để được tận mắt nhìn thấy con đang hoàn thành ca trực trong ICU. Bà nói: “Gia đình buồn khi con vắng nhà nhưng đó là nhiệm vụ chung. Con yên tâm công tác, mẹ, vợ con và các anh chị ở Hà Nội khỏe, con không phải lo nghĩ gì cả. Con cũng yên tâm, sức khỏe của mẹ không sao”.

Xúc động vì lời dặn dò của mẹ, nam bác sĩ nói:  “Tết này con không ở nhà, mẹ chịu khó, xong việc con sẽ về…”.

Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm hồi sức Covid-19 Vĩnh Long, Bệnh viện Nhi Trung ương, đã tiếp nhận lên đến gần 1.000 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Giai đoạn đầu tháng 8/2021, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận khoảng trên dưới 20 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Đến cuối tháng 9, 10, 11/2021, số lượng bệnh nhân giảm nhưng từ khoảng đầu tháng 12 đến nay, số lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch thường xuyên duy trì khoảng trên dưới 100 trường hợp.

Ngọc Trang

Niềm vui bất ngờ ngày cuối năm ở nơi 'không ai muốn vào'

Niềm vui bất ngờ ngày cuối năm ở nơi 'không ai muốn vào'

Bắt đầu từ 22h đêm ngày 28/1 (âm lịch), các y bác sĩ hối hả chuẩn bị cho ca chạy thận. Năm nay, hàng trăm bệnh nhân được chạy thận sớm để sớm kết thúc ca, kịp về nhà chuẩn bị đón Giao thừa.