- Các ông chủ đã đưa ra quyết định bán Yahoo một cách khá dễ dàng cho dù giá thu về chưa bằng đồng lẻ thời kỳ đỉnh cao. Tuy nhiên, đây là một cú cứu thua ngoạn mục của ông lớn ngành công nghệ lầm đường lạc lối.

Đại gia 125 tỷ USD bán mình chưa tới 5 t

Sau vài tháng, cuối cùng cuộc đấu giá đã kết thúc. Yahoo chính thức bán mình cho công ty viễn thông Verizon với mức giá 4,83 tỷ USD và có thể, thương hiệu từng đứng đầu ngành công nghệ của thế giới này sẽ bị xóa xổ vĩnh viễn.

Cộng đồng người dùng internet thời kỳ đầu nuối tiếc, giới đầu tư và cộng đồng công nghệ giật mình, hàng loạt giám đốc điều hành (CEO) của Yahoo, nhất là CEO đương nhiệm Marissa Mayer, bị đổ lỗi cho sự lầm đường lạc lối, sa sút của Yahoo.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: tại sao Yahoo lại phải bán mình? Tình hình kinh doanh và tài sản của tập đoàn này hiện như thế nào? Tại sao bán với mức giá chưa bằng số lẻ so với giá trị lên tới 125 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao, hồi đầu năm 2000?...

{keywords}

Yahoo đã chính thức bán mình cho công ty viễn thông Verizon.

Không thiếu lý do để nuối tiếc cho Yahoo. Tập đoàn này được xem là DN đi đầu trong thời kỳ sơ khai của Internet, sở hữu trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới và sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như: Yahoo Mail, Yahoo! Messenger, trang lưu trữ ảnh Flickr, Yahoo tìm kiếm, Yahoo! Hỏi đáp, Fantasy Sports... được người sử dụng yêu thích gọi là: Yahoo thần thánh.

Từ đầu thế kỷ 21, Yahoo là ông vua của Internet, ông vua công nghệ trong khi Google mới chỉ là một startup, còn Facebook chưa manh nha hình thành. Cựu CEO Yahoo Terry Semel từng bỏ qua cơ hội mua đứt Google năm 2002 với giá 5 tỷ USD. Yahoo cũng bỏ lỡ thâu tóm Facebook hồi 2006 chỉ vì hạ giá mua từ 1 tỷ xuống còn 850 triệu USD khiến Mark Zuckerberg giận dữ từ chối.

Giờ đây, trong khi Yahoo phải bán mình với giá “rẻ mạt”, thì Facebook đang trên con đường trở thành DN 1.000 tỷ USD, còn Google có công ty mẹ Alphabet có giá thị trường hơn 500 tỷ USD. Google hiện vẫn là cỗ máy tìm kiếm số 1 thế giới, còn Facebook sở hữu khoảng 1,6 tỷ người dùng và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, cái giá gần 5 tỷ USD là cực hời đối với Yahoo. Năm ngoái Yahoo thua lỗ. Các mảng kinh doanh chính như tin tức, email, công nghệ quảng cáo của Yahoo đều suy giảm đều đặn năm này qua năm khác.

Và điều quan trọng là Yahoo đã trượt khỏi con sóng công nghệ trong lĩnh vực tìm kiếm, mạng xã hội và gần đây là di động. Những sai lầm trong quá khứ của Yahoo quá lớn và rất ít cơ hội để DN này sửa chữa, tìm lại thời kỳ hoàng kim của mình, cho dù đó có là Marissa Mayer hay ai đi nữa.

Verizon mua Yahoo với hy vọng sẽ kết hợp với AOL xây dựng một đế chế truyền thông di động.

Đằng sau vụ bán thân: 2 năm trời tính toán

Có một thực tế ít được đề cập tới là, trong khoảng gần 2 năm qua, giá cổ phiếu Yahoo tăng hay giảm nhiều khi chẳng liên quan gì tới những kết quả mà DN này đưa ra hàng quý. Thị trường gần như bỏ qua các kết quả kinh doanh đáng buồn.

{keywords}

Bà Marissa Mayer không thể vực dậy con tàu đắm mang tên Yahoo.

Điều mà giới đầu tư quan tâm thực sự lại nằm ở kế hoạch B: kế hoạch thoát ra khỏi khoản đầu tư vào Trung Quốc.

Vấn đề sai lầm của các nhà sáng lập và cổ đông lớn tại Yahoo về đường hướng phát triển thì đã quá rõ. Yahoo nổi lên là một công ty công nghệ, như là một câu chuyện thần thoại tại thung lũng Silicon. Tuy nhiên, cả 2 nhà sáng lập Jerry Yang và David Filo, cùng với một số NĐT khác đã không tập trung vào công nghệ, không nâng tầm công cụ tìm kiếm Yahoo, email,... mà biến Yahoo thành một DN đa mang, lấn mạnh sang mảng nội dung và truyền thông, thay vì thế mạnh công nghệ.

Năm 2005, Jerry Yang sắp đặt để Yahoo đầu tư 1 tỷ USD để sở hữu 40% cổ phần tại trang web Alibaba của Jack Ma Trung Quốc. Đây cũng chính là một trong các yếu tố góp phần giết chết Yahoo. Thay vì tập trung vào thế mạnh công nghệ để thống trị thế giới, Yahoo đã dần xa đà vào các mảng kinh doanh đầu tư khác và để Google, Facebook vượt mặt.

Cũng chính cú đầu tư 1 tỷ USD của Yang đã dẫn tới quyết định “bán thân” của Yahoo.

Vào thời điểm đấy, quyết định đầu tư vào Alibaba cực kỳ đắt đỏ và mạo hiểm nhưng cho đến thời điểm này, có thể thấy đây là một thương vụ đầu tư có lời nhất trong lịch sử Silicon Valley. Ở vào thời điểm hiện tại, khoản số cổ phần đó đã có giá trị hơn 80 tỷ USD.

Sau cú IPO của Alibaba vào tháng 9/2014, các cổ đông của Yahoo nhận thấy rằng, cổ phần của Yahoo tại DN của Jack Ma có giá trị lớn hơn nhiều lần so với giá trị của toàn bộ phần còn lại của Yahoo và họ muốn rút tiền ra. Tuy nhiên, khoản thuế 38% khiến tất cả đều buốt ruột.

Thực tế cho thấy, giá trị của việc tìm kiếm một cách thức nào đó bán cổ phần Alibaba mà không phải chịu thuế còn cao hơn nhiều so với tất cả những hoạt động kinh doanh cốt lõi của ông lớn công nghệ vang bóng một thời này.

Trên thực tế, CEO Marissa Mayer cũng đã có thời gian vực dậy được phần nào các hoạt động quảng cáo của Yahoo. Tuy nhiên, trong mắt của các NĐT, những nỗ lực trong tuyệt vọng đó không có mấy ý nghĩa.

Với các NĐT, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Yahoo là một thảm họa và chỉ có lựa chọn bán các thương hiệu làm nên tên tuổi một thời của Yahoo, và tách riêng khoản cổ phần đầu tư tại Alibaba ra một bên, có thể giúp DN này có cách để thoát khỏi các khoản thuế.

Cuối cùng, sau 22 năm, Yahoo đã tuyên bố bán toàn bộ mảng kinh doanh cốt lõi, không bao gồm khoản đầu tư tại Alibaba, cho Verizon. Đây có lẽ là một cú cứu thua ngoạn mục của tỷ phú Jerry, ít nhất về phương diện tài chính ở thời điểm này.

V. Minh