Nông thôn mới (NTM) thông minh là đưa ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) phủ khắp mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mang lại những giá trị thực chất, nhiều tiện ích cho xã, thôn, xóm từ việc lắp các camera an ninh trên các đường làng ngõ xóm, ứng dụng Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo vào điều khiển sản xuất nông nghiệp và mọi mặt trong đời sống nông thôn những vấn đề mới như: ứng dụng CĐS trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn; vấn đề kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX), cơ giới hóa đồng bộ, vấn đề quản lý chất lượng nông sản…

yen bai.jpg
 
Sản phẩm bưởi đặc sản Đại Minh được hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên nền tảng số.

Có mặt tại HTX Đặc sản bưởi Đại Minh khi chủ HTX - bà Nguyễn Thị Hằng đang livetream giới thiệu và bán bưởi đặc sản. Nếu trước đây bán theo phương thức truyền thống thì HTX chỉ bán khoảng 100 tấn bưởi/năm.

Còn giờ đây, thông qua nền tảng số, sản phẩm bưởi được nhiều khách hàng Bắc - Trung  - Nam biết đến, nên sản lượng HTX bán ra tăng lên 180 - 200 tấn/năm. 

Bà Hằng chia sẻ: "Tôi tích cực đăng tải hình ảnh, công khai giá bán bưởi lên trang cá nhân Facebook, Zalo. Mỗi khi livetream, tôi trực tiếp tương tác với khách hàng và tự hào khi bưởi Đại Minh luôn được khen về chất lượng. Đặc biệt, thông qua việc ứng dụng công nghệ 4.0, sản phẩm có giá trị cao hơn qua tay thương lái từ 20 - 30%”. 

Là địa phương được chọn thí điểm xây dựng mô hình xã thông minh, lúc mới triển khai, xã Đại Minh, huyện Yên Bình gặp nhiều khó khăn do người dân chưa biết đến các mô hình thương mại điện tử, các hình thức tiêu thụ sản phẩm mới. 

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để người dân hiểu, nâng cao nhận thức cùng đồng hành triển khai xây dựng thôn, xã thông minh, xã đặc biệt coi trọng tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS và thương mại điện tử trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đối với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng dân cư. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị trong tỉnh, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Đến nay, 6/6 thôn của xã đều đạt các tiêu chí về XDNTM thông minh; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được tập huấn, phổ biến kỹ năng số cơ bản đạt trên 96%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 87,4%; tỷ lệ hộ gia đình có người có máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh đạt gần 98%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang 86%; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử là trên 80%”. 

Đến với thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp - 1 trong 4 thôn được lựa chọn để xây dựng mô hình thôn NTM thông minh của huyện Trấn Yên từ năm 2023, chúng tôi ấn tượng bởi khung cảnh yên bình, khang trang, sạch đẹp và mức độ "số hóa” trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Mạng Wifi được lắp đặt miễn phí ở các điểm công cộng; 100% các hộ, cơ quan, tổ chức trong thôn được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số; 100% số hộ được tiếp cận và sử dụng các nền tảng, dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khoẻ trực tuyến; nhiều mặt hàng của người dân trong thôn đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán qua Internet, giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. 

Để xây dựng thôn thông minh, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, thực tế; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tạo ra phong trào đoàn kết XDNTM thông minh, tạo sức lan tỏa trong nhân dân.

Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyên sâu về CĐS cho cán bộ và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức về công tác CĐS trong XDNTM để đưa nông thôn Yên Bái phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ CĐS theo hướng đồng bộ, hiện đại để người dân tiếp cận được với công cuộc CĐS. 

Đến nay, tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố được phủ sóng băng rộng di động đã đạt trên 99%, có Internet băng rộng cố định đạt 95%; 100% thôn, bản có điện lưới được phủ sóng di động 4G, đã có 32 trạm phát sóng di động 5G được lắp đặt; 80% nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố có Internet; đã có 70% hộ sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang; 20% người dân có chữ ký số cá nhân; trên 75% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh; 90% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Xu hướng CĐS đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Việc xây dựng những mô hình thôn, xã thông minh đang trở thành xu thế tất yếu trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách "số” giữa khu vực thành thị với nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

Theo Thanh Chi - Hoài Văn (Báo Yên Bái)