Đó là chủ đề hội thảo khoa học “Yến sào Khánh Hòa - sản phẩm quốc gia, yến sào Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ chương trình Festival viển Nha Trang 2015, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về điểu học, thú y, dinh dưỡng và các nhà quản lý kinh tế cùng đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác, bảo quản, chế biến yến sào.

Yến “vua”

Yến sào (tổ của loài chim yến) là loại thực phẩm cao cấp có nhiều chất bổ dưỡng và có tác dụng rất kỳ diệu đối với sức khỏe con người. 

{keywords}
Chim yến hàng Aerodramus Fuciphagus Germani

Theo nghiên cứu của TS Ngô Thị Kim, Viện CNSH quốc gia Hà Nội về “Nghiên cứu chất hoạt tính sinh học trong tổ yến Khánh Hòa”, trong thành phần tổ yến có 12 loại acid amin, một số có hàm lượng cao như Aspartic acid, Serine, Tyrosine, Phenylalanine, Valine, Arginine, Leucine… Đặc biệt, acid syalic với hàm lượng 8,6% và Tryrosine là những chất có tác dụng phục hồi nhanh chóng các tổn thương khi bị nhiễm xạ hay chất độc hại, kích thích sinh trưởng hồng cầu.

Hiện nay, nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT trong quá trình bảo vệ, chăm sóc đàn chim yến và quản lý tốt các hàng đảo, sản lượng yến đảo thiên nhiên ngày càng nhiều, ngoài ra chương trình phát triển “nhà chim yến” đã góp phần gia tăng đáng kể sản phẩm yến sào nguyên chất, đồng thời hạ được giá thành; vì vậy rất nhiều người có khả năng mua yến sào để bồi bổ sức khỏe.

Dọc đường bờ biển dài hơn 3.200 cây số của nước ta có nhiều đảo, nhiều dãy núi nhấp nhô, hình thành các eo vịnh, đầm phá…, đó là lợi thế phát triển quần thể chim yến hàng. Qua kết quả điều tra khảo sát hang đảo yến năm 2014 của Công ty Yến sào Khánh Hòa, toàn quốc có khoảng 237 hang yến lớn nhỏ. Trong đó Khánh Hòa:169 , Bình Định:16, Quảng Nam: 7 hang yến, Quảng Bình: 4, Quảng Ngãi: 3 hang, Phú Yên: 12, Ninh Thuận 9 hang, Côn Đảo có 14 hang.

Trong vòng 5 năm gần đây, sản lượng yến đảo thiên nhiên của Việt Nam đạt bình quân 5 tấn/năm; tỉnh Khánh Hòa dẫn đầu cả nước với hơn 3,5tấn/năm và chất lượng yến đảo thiên nhiên của Khánh Hòa cũng được tất cả khách hàng trong nước cũng như quốc tế đánh giá “tốt nhất thế giới”.

Th.s Lê Hữu Hoàng-TGĐ Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết: “Phân loài chim yến Aerodramus Fuciphagus Germani là phân loài đặc hữu tại Việt Nam, phân bố tại các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Nam nước ta, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Khánh Hòa. Đây là phân loài cho tổ yến có giá trị cao hơn nhiều so với các loại tổ yến khác, tạo nên sản phẩm yến sào đảo thiên nhiên Khánh Hòa chất lượng cao hàng đầu thế giới hiện nay.

Thời gian qua, hình thành luận điểm khoa học mới về sự phát triển quần thể chim yến Hàng gắn liền với sự hình thành và phát triển hang đảo yến mới. Các bí quyết kỹ thuật nhân đàn di đàn chim yến đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ vực dậy tiềm năng phát triển quần thể chim yến Hàng Germani, nâng cao sản lượng yến sào đảo yến thiên nhiên được khai thác ở các hang đảo vùng biển tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải trên toàn quốc.”

Khung phát triển sản phẩm quốc gia

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu để phát triển bền vững quần thể chim yến đảo thiên nhiên ở Khánh Hòa, đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ nhằm phát triển yến sào Khánh Hòa trở thành sản phẩm quốc gia và định hướng chiến lược xây dựng, bảo vệ thương hiệu yến sào Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

{keywords}
Đại biểu dự hội thảo tham quan hàng yến nhân tạo bên bờ biển Nha Trang

TS Lê Huỳnh Thanh Phương - Trưởng Ban KH và CN, Học viện Nông nghiệp VN đã phác thảo khung phát triển sản phẩm quốc gia dựa trên sự phân tích, so sánh tình hình phát triển đàn chim yến đảo và chim yến nuôi trong nhà tại Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực. TS Lê Huỳnh Thanh Phương, phát biểu:“Tổng sản lượng yến sào trên thế giới hiện nay lên đến 3.700 tấn/năm, doanh thu xấp xỉ 6-7 tỷ USD. Indonessia là quốc gia dẫn đầu với đàn chim yến trên 80 triệu con và sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm. Malaysia có đàn chim yến khoảng 10 triệu con, mỗi năm xuất khẩu 275 tấn tổ yến. Tuy nhiên, sản phẩm của Indonessia, Malaysia, Thái Lan chủ yếu là yến nhà. Chất lượng và giá trị dinh dưỡng thua xa yến đảo thiên nhiên. Điều đó giải thích vì sao đàn chim yến (kể cả yến nhà) của Khánh Hòa chỉ có khoảng 750.000 con và sản lượng cũng rất khiêm tốn, song vẫn được giới kinh doanh yến sào quốc tế tôn vinh là “yến vua.”

Nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về quá trình phát triển của công ty yến sào Khánh Hòa, TS Thanh Phương đề xuất 5 giải pháp khung phát triển sản phẩm quốc gia, bao gồm huy động kinh phí (khoảng 1.000 tỷ đồng), phát triển nguồn lực, ưu đãi thuế, sử dụng đất, xúc tiến thương mại gắn với phát triển thị trường, nhằm thực hiên đề án khung phát triển yến sào Khánh Hòa thành sản phẩm quốc gia.

Một trong những vấn đề khiến các nhà khoa học bận tâm, lo lắng đó là tình trạng kinh doanh yến sào “thật, giả lẫn lộn” trên thị trường. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Trường ĐH Bách Khao Hà Nội) đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và “bóc tách” những chiêu thức làm “yến sào giả như thật”, đồng thời kiến nghị biện pháp chống hàng giả để bảo vệ các nhà sản xuất yến sào chân chính và bảo đảm thương hiệu yến sào Việt Nam.

Dựa trên kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước đề xuất các giải pháp phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam theo định hướng bền vững đã thực hiện công tác quy hoạch và đề xuất các giải pháp hữu hiệu phát triển việc nuôi chim yến đảo thiên nhiên. TGĐ Công ty Yến sào Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ, Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương có hang yến trên toàn quốc phối hợp soạn thảo chiến lược đầu tư, nghiên cứu phát triển hang đảo yến thiên nhiên từ Thanh Hóa đến Cà Mau, Phú Quốc- Kiên Giang, kếp hợp vận dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển hang đảo yến thiên nhiên trên toàn quốc giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

(Theo Lao động)