“Trời rét, ở chợ đêm người bán hàng nhiều nhưng người mua rất ít. Tôi ngồi cả đêm không ai gọi chở hàng, đến gần sáng, có một người chủ tìm tôi…”, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1971, quê Kim Động, Hưng Yên) kể lại.
23 giờ đêm, chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Ba Đình Hà Nội) nhộn nhịp lạ thường. Phía cổng chợ, những chiếc xe tải trọng 1, 2 tấn chứa đầy củ, quả từ khắp nơi đổ về.
Mỗi chiếc xe dừng lại, một nhóm lao động nghèo lại ào tới. Họ vội vã bê vác các thùng hàng, chuyển lên xe kéo và kéo đi... Xe này đi, xe khác lại vào rất nhịp nhàng, ai nấy đều vội vã.
Trong nhóm lao động ấy, không thiếu bóng dáng của những người phụ nữ. Có người thân hình phốp pháp, khỏe mạnh nhưng cũng có rất nhiều những vóc dáng gầy yếu, mảnh mai.
Kéo sau lưng cả tạ hàng, đôi chân của họ bước đi xiêu vẹo trong đêm.
Công việc của các phu kéo tại chợ đêm Long Biên. Ảnh: Vũ Lụa |
Đó là những người phụ nữ đến từ khắp các tỉnh thành, có người ở Hưng Yên, có người ở Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc… và có cả những người ở tận miền Trung xa xôi. Vì cuộc sống khó khăn, họ quy tụ về đây, bám trụ lấy xóm chợ này, làm thân phu kéo để mưu sinh.
Hành trang, đồng thời là phương tiện lao động mỗi đêm của những phu kéo, là tấm lưng còng và chiếc xe kéo hai càng. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để mua được chiếc xe này.
Chị Phan Thị Chiêm (37 tuổi, quê Vĩnh Phúc, làm nghề phu kéo tại chợ Long Biên gần 9 năm) cho biết, ở thời điểm hiện tại, mỗi chiếc xe được bán với giá 3 đến 4 triệu đồng.Thế nhưng có thời điểm, chiếc xe được “thổi” giá lên đến 12, 13 triệu đồng.
Chính vì thế, rất nhiều lao động nghèo không có đủ điều kiện để mua xe, họ phải làm chung hoặc kéo xe thuê cho những người chủ khác.
“Mỗi thùng hàng, người kéo xe được trả từ 2 đến 5 nghìn đồng. Nếu mình là người có xe, mình sẽ được hưởng toàn bộ số công đó. Tuy nhiên với những người phải thuê xe thì tiền công nhận được chẳng đáng bao nhiêu”, chị Chiêm cho biết.
Những chiếc xe kéo được thiết kế đơn giản nhưng không phải người lao động nào cũng có thể mua được. Ảnh: Vũ Lụa |
Chính vì tiền công rẻ mạt nên những người phụ nữ làm nghề phu xe ở đây thường tận dụng thời gian, sức khỏe bằng cách chất lên xe số thùng hàng nhiều nhất có thể.
Có người chất lên xe 3, 4 tạ thậm chí gần 1 tấn hàng rồi vắt kiệt sức mình để kéo đi một quãng đường dài. Tuy nhiên việc làm quá sức này đôi khi khiến họ phải lâm vào tình thế dở khóc dở cười.
“Chất hàng nặng quá thì lúc lên dốc, xuống dốc sẽ bị kiệt sức. Mình không đi nhanh được, làm cản đường của ô tô tải hoặc những phu kéo khác thì xảy ra xô xát là chuyện thường”, chị Nguyễn Thị Hiên (SN1978, Hải Hậu, Nam Định) cho biết.
Một nữ phu kéo nghỉ ngơi trong căn phòng trọ sau một đêm bán sức lao động ở chợ. Ảnh: Ngọc Trang |
Tuy nhiên theo lời chị Hiên, phận phu xe, chị sợ nhất là những lần sơ ý chạm vào người hoặc hàng hóa của những người chủ khác.
“Nhiều người để hàng tràn ra đường hoặc chắn cả lối đi tuy nhiên nếu mình kéo xe chạm vào hàng của họ thì lại là chuyện phức tạp. Có người dễ tính, họ bỏ qua nhưng gặp gã đàn ông thô lỗ, mình “ăn đòn" là chuyện như cơm bữa”, chị Hiên cho biết.
Vẫn lời chị Hiên, làm phu kéo ở chợ Long Biên, hiếm người chưa từng bị đánh. “Bị đánh chúng tôi không quá sợ vì cái đau về thể xác rồi cũng qua đi. Phận phu kéo sợ nhất là bị bắt đền tiền”, chị Hiên nói tiếp.
Đáng nói hơn, giá trị món hàng mình va chạm chỉ đáng giá 1 nhưng chủ bắt đền 10 thì phu kéo cũng phải chấp nhận.
“Tôi quan niệm, mình làm ra tiền chứ tiền không làm ra mình. Vì thế nếu va chạm, mình xin lỗi mà họ không đồng ý, họ bắt đền tiền cũng phải chịu. Bởi nếu xảy ra chuyện đôi co, xô xát cũng chỉ thiệt mình”, người đàn bà từng trải ở chợ Long Biên nói.
Vì mưu sinh, những người phụ nữ ở chợ Long Biên thường xuyên phải kéo trên vai cả nửa tấn hàng. Ảnh: Vũ Lụa |
Đồng ý với quan điểm của chị Hiên, một người phụ nữ có gương mặt khắc khổ, vóc dáng gầy yếu, có 7 năm gắn bó với nghề phu kéo cũng nhớ lại kỷ niệm “đau thương” trong quá trình làm nghề của mình.
Chị là Nguyễn Thị Phương (SN 1971, quê Kim Động, Hưng Yên). Kể lại với chúng tôi, chị Phương cho biết, sự việc xảy ra vào một đêm mùa đông cách đây vài năm.
“Trời rét, ở chợ người bán hàng nhiều nhưng người mua rất ít. Tôi ngồi cả đêm không ai gọi chở hàng, đến gần sáng có một người chủ tìm tôi.
Họ thuê tôi kéo 15 thùng quýt ra một địa chỉ ở Phúc Xá (Long Biên). Quãng đường gần 1km và họ chỉ trả 3 nghìn đồng/thùng nhưng tôi vẫn nhận lời. Trong lúc kéo, tôi va chạm và làm đổ 1 thùng nho của người chủ khác để sát lề đường.
Người này là một cô gái trẻ, ăn mặc sành điệu, là chủ một ki ốt ở chợ. Thùng nho không bị hỏng nhưng người chủ hàng này vẫn chửi bới ầm ĩ, huyên náo cả một góc chợ. Chị ta yêu cầu tôi phải đền tiền”, chị Phương nhớ lại.
Chị Nguyễn Thị Phương (SN 1971, quê Kim Động, Hưng Yên). Ảnh: Vũ Lụa |
Vẫn theo chị Phương, khi xảy ra sự việc, chị đã xin lỗi nhưng người phụ nữ trẻ tuổi này không chấp nhận.
“Thùng nho nhỏ, giá trị chỉ khoảng 200 nghìn đồng vậy mà người này nhất quyết đòi tôi phải đền 500 nghìn. Trong túi tôi không có đủ số tiền đó. Tôi chở hàng cho người ta, 15 thùng được 45 nghìn đồng thì làm sao có tiền để đền”, chị Phương ấm ức nhớ lại.
Cuối cùng, sau khi được nhiều người nói đỡ, người chủ hàng nho quyết định giảm số tiền phạt xuống còn 300 nghìn. Chị Phương phải đi vay những đồng nghiệp khác mới có đủ tiền.
“Chợ cuối năm ít việc nên ai cũng bí. Tôi phải hỏi 4, 5 người mới có đủ tiền. Trả tiền đền xong, người chủ hàng bảo tôi mang thùng nho về ăn. Tuy nhiên tôi thấy ức nên không cầm. Tôi cho chị ta thùng nho và tự hứa với lòng mình không bao giờ chở hàng cho người chủ xấu tính này”, chị Phương cho biết.
Theo chị Phương, với “phận phu xe”, chị không dám mơ đến chuyện công bằng. Kể ra câu chuyện này, chị hy vọng những người chủ hàng và những cùng cảnh ngộ sẽ có những cảm thông và ứng xử với nhau tốt hơn.
Tiếng oan của người phụ nữ giấu chồng làm nghề 'hành xác' đêm
Sau mấy tháng xuống Hà Nội, chị Hằng (28 tuổi, Yên Bái) luôn chịu đựng những dằn vặt của chồng về việc đi làm đêm. Đỉnh điểm là việc anh nghi ngờ cái thai trong bụng chị khiến người phụ nữ này uất ức bỏ về nhà mẹ đẻ.
Vũ Lụa - Ngọc Trang